Báo Hong Kong: Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông

08:05, 25/05/2014

Không chỉ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn liên tục gây hấn với các nước láng giềng khác trong khu vực.

Không chỉ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn liên tục gây hấn với các nước láng giềng khác trong khu vực.
 
Tàu Trung Quốc uy hiếp và gây hại cho tàu Việt Nam ở Biển Đông (Ảnh: Công Đinh-Hữu Trung/TTXVN)
Tàu Trung Quốc uy hiếp và gây hại cho tàu Việt Nam ở Biển Đông (Ảnh: Công Đinh-Hữu Trung/TTXVN)

Các hành vi đó đã được chỉ rõ trong bài báo đăng trên tờ South Morning China Post xuất bản ở Hong Kong (Trung Quốc) của tác giả Philip Bowring, nhà bình luận chính trị đã có gần 40 năm hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vietnam+ xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 
"Các hành vi hiện nay của Trung Quốc với các láng giềng ở Biển Đông mang tính gây hấn, ngạo mạn, mang hơi hướng chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán và tư tưởng coi dân tộc mình hơn tất thảy.
 
Không còn là sự thể hiện niềm tự hào quốc gia, nó đang làm ô danh chủ nghĩa ái quốc. Những người Hong Kong yêu nước nên nhận ra thực chất của hành vi này: một âm mưu nguy hiểm.
 
Bắc Kinh không nhỉ nhe nanh thể hiện chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đã thành công trong việc đẩy Indonesia từ vị trí cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và các nước Đông Nam Á, tới chỗ đối đầu.
 
Hai lần trong mấy tháng gần đây, Indonesia lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với một phần quần đảo Natuna của nước này. Quá đủ cho cái gọi là "sự trỗi dậy hòa bình", khi anh chọc giận các hàng xóm với quy mô dân số hơn 400 triệu người, những kẻ bị anh xem là yếu ớt.
 
Tất cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hiện gói gọn quanh đường 9 đoạn, mở rộng ra hơn 1.000 hải lý, bắt đầu từ các bờ biển của Quảng Đông và đảo Hải Nam, kéo dài tới gần Borneo, quần đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei; bao gồm gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam và Philippines.
 
Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% diện tích biển, dù Trung Quốc (gồm cả hòn đảo Đài Loan) chỉ chiếm có hơn 20% đường bờ biển.
 
Tất cả tuyên bố chủ quyền này dựa trên một cơ sở lịch sử về cơ bản là không tính đến sự tồn tại của các dân tộc khác, cũng như lịch sử đi lại, giao thương trên biển của họ trong vòng 2.000 năm qua, trước cả khi Trung Quốc bắt đầu đặt chân tới các vùng biển nằm ở phía Nam đất nước và xa hơn.
 
Cần biết rằng những người Indonesia đã đi tới châu Phi và đô hộ Madagascar hơn 500 năm trước khi Trịnh Hòa, nhà hàng hải và thám hiểm nổi tiếng nhất Trung Quốc, bắt đầu hành trình của mình. Trong khi đó, người dân Đông Nam Á đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ và thế giới Hồi giáo hơn là từ Trung Quốc.
 
Trong trường hợp của cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Việt Nam, diễn ra khi Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển nằm ở phía Đông Đà Nẵng, nước này viện dẫn việc quần đảo Hoàng Sa bị họ chiếm đóng nằm gần với vị trí của giàn khoan, lấy đó là cơ sở biện minh cho hành động của mình.
 
Nhưng quần đảo Hoàng Sa, nơi đã bị Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm trái phép trong năm 1974, đang là địa điểm diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Do quần đảo Hoàng Sa chưa từng có hoạt động định cư lâu dài, sẽ vô cùng khó để Trung Quốc đòi lập khu vực đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý như phía Việt Nam.
 
Lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng bờ biển này (Biển Đông) từng là trái tim của vương quốc Champa cổ rất mạnh về giao thương, trong vòng 1.000 năm đã đóng vai trò chủ đạo về giao thương trong khu vực.
 
Malaysia và Thái Lan đã cùng quản lý khu vực nhiều dầu khí nằm giữa ranh giới hai nước tại Vịnh Thái Lan. Các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia đều đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo lên Tòa án Tư pháp Quốc tế và chấp nhận kết quả do tòa phán quyết.
 
Nhưng Trung Quốc vẫn không chấp nhận thỏa hiệp hoặc ra tòa. Trong khi đó, hoạt động cùng phát triển khu vực tranh chấp không thể diễn ra, bởi Bắc Kinh luôn kèm theo điều kiện các nước phải chấp nhận tuyên bố chủ quyền mà họ đưa ra.
 
Trong trường hợp một bãi cạn ngoài khơi bờ biển Philippines, Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền với bãi cạn này dựa trên việc sáng tác ra lịch sử của nó và dựa trên việc họ tuyên bố chủ quyền... trước Philippines. Đây là một cơ sở rất tồi, nếu biết rằng Trung Quốc chưa từng có sự hiện diện thường xuyên ở bãi cạn và Philippines đã được thừa hưởng nó từ một thỏa ước giữa hai đế quốc thực dân phương Tây.
 
Các bãi cạn này dù được Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, lại nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines và trong vùng biển từ lâu vẫn chứng kiến việc người dân ở nước này lui tới bình thường.
 
Cần biết rằng bãi cạn Scarborough nằm cách Luzon có 200 km và cách Trung Quốc tới 650 km. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với bãi cạn Trăng Khuyết còn đáng phẫn nộ hơn. Bãi cạn này là nơi Philippines đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc bị buộc tội đánh bắt rùa biển lớn, một sinh vật được thế giới bảo vệ. Nhiều cuộc biểu tình (chống Philippines) đã nổ ra tại Bắc Kinh sau sự kiện. Tuy nhiên người ta không để ý tới thực tế bãi đá này cách Palawan 110km và gần 1.500km so với Trung Quốc.
 
Việc Trung Quốc viện dẫn cơ sở các tuyên bố chủ quyền của họ có từ thời Quốc dân đảng là rất phi lý. Tương tự, việc nhiều quốc gia trước đây từng phải cống nạp cho Trung Quốc cũng không thể được lôi ra làm căn cứ khẳng định chủ quyền. Hoạt động cống nạp của các quốc gia đó chỉ giống như đóng thuế, một dạng chi phí khi làm ăn với Trung Quốc.
 
Và kể cả Trung Quốc có lúc đã từng là một đế chế lớn trong quá khứ, điều này cũng không thể được sử dụng làm cơ sở để đòi quyền sở hữu một vùng biển rộng lớn như Biển Đông. Nếu xét theo lý lẽ của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tuyên bố chủ quyền trên đất nước Ai Cập và Nga có thể đòi lại toàn bộ vùng Trung Á.
 
Có thể thấy Trung Quốc đang muốn giương oai giễu võ và cho thấy ai là "trùm sò" trong khu vực, giống như nước này từng làm với Việt Nam vào năm 1979, và nhắc nhở Mỹ về điểm yếu của mình. Nhưng sự kiện cũng cho thấy việc Trung Quốc chẳng muốn coi các hàng xóm không thuộc dân tộc Đại Hán là bình đẳng với mình; không đối xử đúng mực với những dân tộc đã có lịch sử và văn hóa hầu như chẳng chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.
 
Lịch sử của Trung Quốc trong việc kiêu căng cho rằng mình ưu việt hơn (về chủng tộc), đặc biệt là trước những con người có làn da sẫm màu hơn, đã kéo dài.  
 
Niềm tin vào thuyết ưu sinh và nhu cầu bảo vệ, mở rộng các đặc tính di truyền học Đại Hán đã từng nở rộ mạnh. Và nay nó đã trở lại ở đại lục, nơi một số học giả tin rằng thật khó để chấp nhận người hiện đại có cái gốc ở châu Phi và Trung Quốc mới thực sự là cái rốn của nhân loại, nguồn gốc độc nhất vô nhị của loài người"./.
 
(Theo Vietnam+)