CN, 27/04/2025, 09:43

Tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri

08:08, 20/08/2015

Nga và I-ran đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Xy-ri trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang chuẩn bị cuộc chiến tổng lực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mát-xcơ-va lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng ủng hộ Mỹ tiến hành các cuộc không kích dữ dội ở Xy-ri có thể làm phức tạp thêm tình hình nước này.

Nga và I-ran đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Xy-ri trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang chuẩn bị cuộc chiến tổng lực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mát-xcơ-va lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng ủng hộ Mỹ tiến hành các cuộc không kích dữ dội ở Xy-ri có thể làm phức tạp thêm tình hình nước này.
 
Người dân Xy-ri chạy nạn do xung đột. Ảnh ROI-TƠ
Người dân Xy-ri chạy nạn do xung đột. Ảnh ROI-TƠ

I-ran đã chuẩn bị một kế hoạch hòa bình mới để đệ trình LHQ nhằm tìm giải pháp hòa bình cho Xy-ri, nơi nội chiến đang gây ra thảm họa nhân đạo và tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố IS ngày càng phát triển. Kế hoạch mới dựa trên sáng kiến bốn điểm từng được I-ran trình lên LHQ hồi năm ngoái, trong đó đề cập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, bảo vệ quyền hiến pháp đối với cộng đồng thiểu số và tiến hành các cuộc bầu cử có giám sát. Trong khi đó, tại thủ đô Tê-hê-ran mới đây đã diễn ra cuộc gặp ba bên giữa I-ran, Xy-ri và Nga thảo luận tình hình khu vực. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni khẳng định thỏa thuận hạt nhân I-ran vừa đạt được sẽ tạo một bầu không khí mới giúp đẩy nhanh tiến trình tìm ra giải pháp cho vấn đề Xy-ri.
 
Những nỗ lực của cả Nga và I-ran muốn tìm một giải pháp chính trị cho Xy-ri thay vì hành động quân sự. Nga cho rằng, việc Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích IS ở vùng lãnh thổ Xy-ri càng khiến cuộc chiến này khó khăn hơn. Chính phủ Xy-ri khẳng định ủng hộ các nỗ lực chống IS với điều kiện phải có sự phối hợp và tham khảo ý kiến với Đa-mát, còn bất kỳ hình thức nào khác đều là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Chính quyền của Tổng thống Át-xát nghi ngờ động cơ thật sự của các chiến dịch chống IS của Mỹ, cho rằng mục tiêu là nhằm lật đổ chế độ ở Xy-ri. Đa-mát cho rằng, Mỹ gia tăng cường độ chống IS thông qua các cuộc không kích xuất phát từ các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất là để giúp phe đối lập Xy-ri lật đổ chính quyền của Tổng thống Át-xát. Lầu năm góc từng cảnh báo về những hậu quả nếu quân đội Xy-ri ngăn cản chiến dịch mới này. 
 
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, máy bay không người lái của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân In-xơ-lích, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành các đợt không kích vào các địa điểm được cho là “các mục tiêu” của nhóm chủ chiến IS ở miền bắc Xy-ri. Mỹ gia tăng đưa lực lượng máy bay có người lái và không người lái để chuẩn bị cùng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phát động một trận chiến toàn diện chống IS tại Xy-ri. An-ca-ra và Oa-sinh-tơn cùng nhau hoàn tất các kế hoạch dùng sức mạnh không quân để bảo vệ cho một nhóm đối lập được Mỹ huấn luyện tại Xy-ri, đồng thời đẩy lực lượng IS ra khỏi vùng đệm an ninh mới được thiết lập, dài 80 km, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Xy-ri. Mỹ đã tiếp xúc và cam kết rằng việc họ hỗ trợ các nhóm đối lập cũng như các đợt không kích vào Xy-ri là “không nhằm vào quân đội Xy-ri”, song Lầu năm góc lại được Tổng thống B.Ô-ba-ma cho phép đánh bom vào bất kỳ lực lượng nào, kể cả các đơn vị quân đội chính quy của Xy-ri, nếu các đơn vị này tiến công các lực lượng đối lập được Mỹ huấn luyện. Lầu năm góc đang thực thi kế hoạch đến cuối năm 2015 đào tạo, huấn luyện cho 3.000 tay súng của một nhóm vũ trang đối lập được cho là “ôn hòa” tại Xy-ri. 
 
Việc liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS không hợp tác với Chính phủ Xy-ri khiến khó có thể thay đổi thế trận trong cuộc chiến này. Trong khi đó, các phe phái ở Xy-ri tiếp tục bị cuốn vào cuộc xung đột kéo dài. Cuộc nội chiến bốn năm qua ở Xy-ri đã làm 230 nghìn người thiệt mạng và một nửa dân số nước này phải đi sơ tán. Trước tình hình trên, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Xy-ri X.Mi-xtu-ra đã đề xuất một hướng tiếp cận mới nhằm duy trì những nỗ lực thúc đẩy nền hòa bình tại Xy-ri, theo đó mời người dân nước này tổ chức cũng như tham gia vào các nhóm làm việc nhằm tập trung thảo luận các vấn đề then chốt. Sau hơn hai tháng tổ chức các cuộc đối thoại với hơn 200 nhân vật có ảnh hưởng ở cả Xy-ri và các nước khác, hầu hết các cuộc gặp đều nêu bật được sự cần thiết phải chặn đà tiến của IS và nhóm Mặt trận An Nu-xra có quan hệ với An Kê-đa cũng như loại bỏ sự chia rẽ và khuynh hướng bè phái tại Xy-ri. 
 
Những gì đang diễn ra cho thấy Xy-ri cần một giải pháp chính trị chứ không phải là các hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài. Chính Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ, các nước láng giềng của Xy-ri cũng như các bên liên quan cần ngăn chặn dòng chảy vũ khí và các chiến binh nước ngoài đổ vào quốc gia Trung Đông này cũng như chấm dứt việc biến Xy-ri thành một bãi chiến trường.
 
(Theo Báo Nhân dân)