Nga, Trung Quốc, Bỉ và Mexico và các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng các hành động thù địch đối với Cuba.
Nga, Trung Quốc, Bỉ và Mexico và các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng các hành động thù địch đối với Cuba.
Một khách sạn ở La Habana, Cuba. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 18/4, Nga, Trung Quốc, Bỉ và Mexico và các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng các hành động thù địch đối với Cuba sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ không tiếp tục đình chỉ Điều 3 Luật Helms-Burton, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Cuba.
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, trả lời hãng Prensa Latina nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Yalta lần thứ 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Nga phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ và cho rằng những lệnh trừng phạt này chỉ hợp pháp nếu được Liên hợp quốc thông qua.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ sự không đồng tình đối với tuyên bố nói trên của Mỹ, với mục đích thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại chống Cuba. Trung Quốc nhấn mạnh quyết định của Washington chính là rào cản đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia vùng Caribe.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mexico cũng ra thông cáo bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ khi áp dụng lần đầu tiên trong lịch sử Điều 3 Luật Helms-Burton, theo đó, Mexico nhấn mạnh, biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng tới các công ty nước ngoài làm ăn tại Cuba, bao gồm cả các doanh nghiệp Mexico.
Chính phủ Mexico phản đối việc áp dụng luật thương mại đơn phương với đặc tính ngoài lãnh thổ do vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời cam kết sẽ bảo vệ các doanh nghiệp của mình đang có quan hệ thương mại với Cuba.
Tại Bỉ, hàng loạt các tổ chức đoàn kết đã phản ứng với quyết định kích hoạt điều luật gây tranh cãi nhằm vào Cuba của Mỹ, và cho rằng hành động này vi phạm luật quốc tế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh đã bày tỏ quan ngại đối với những nỗ lực mới của Mỹ trong việc yêu cầu các công ty nước ngoài tuân thủ các lệnh cấm vận của Washington đối với La Habana. Lệnh cấm vận này đã bị Anh và các quốc gia châu Âu khác bác bỏ.
Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố việc áp dụng đặc quyền ngoại giao đối với các lệnh cấm vận, điều mà London coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đe dọa làm tổn hại các công ty của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Cuba bằng cách buộc họ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các tòa án của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh sẽ hợp tác với EU để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp của khối này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington chấm dứt việc đình chỉ Điều 3 luật Helms-Burton, theo đó các công dân Mỹ quốc tịch Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện các công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba.
Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Cuba liên quan việc hỗ trợ quốc gia láng giềng Venezuela. Đáp lại, Chính phủ Cuba khẳng định luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribe này.
(Theo Vietnam+)