Bộ trưởng Quy hoạch đô thị Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết chính phủ nước này sẽ quyết định địa điểm của thủ đô mới từ nay đến cuối năm.
Bộ trưởng Quy hoạch đô thị Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết chính phủ nước này sẽ quyết định địa điểm của thủ đô mới từ nay đến cuối năm.
Thủ đô Jakarta của Indonesia. (Nguồn: Asialink) |
Bộ trưởng Quy hoạch đô thị Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết chính phủ nước này sẽ quyết định địa điểm của thủ đô mới từ nay đến cuối năm và đặt mục tiêu trung tâm hành chính mới sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2024.
Theo ông Brodjonegoro, chính phủ đang hoàn tất các nghiên cứu cần thiết để có thể đưa ra quyết định vị trí mới của thủ đô từ nay đến cuối năm và dự kiến khởi công dự án mang tính đột phá này trong năm 2020 hoặc 2021. Chính phủ hy vọng đến năm 2024, thủ đô mới sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động với vai trò là trung tâm mới của chính quyền Indonesia.
Quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang một vị trí khác được đưa ra cách đây 2 tuần sau khi Tổng thống Joko Widodo chấp thuận đề xuất được tranh luận lâu nay. Đầu tháng này, Tổng thống Widodo đã đến thăm hai tỉnh Đông và Trung Kalimanta trên đảo Borneo nhằm khảo sát địa điểm bố trí thủ đô mới.
Ông Brodjonegoro cho biết chính phủ chỉ cân nhắc “hai nơi đã được thị sát trước đó.” Sau khi chuyển thủ đô, Jakatar sẽ vẫn đóng vai trò là trung tâm tài chính của Indonesia.
Thủ đô Jakarta có số dân 9,6 triệu người, song dân số cả vùng đô thị Jakarta lên tới gần 30 triệu người, và điều này đã tạo gánh nặng cho hệ thống giao thông thủ đô. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Jakarta được cho gây thiệt hại hàng năm trên 7 tỷ USD.
Hơn nữa, do vị trí nằm ở vùng đất thấp, thủ đô quốc gia “vạn đảo” này rất dễ bị ngập lụt do triều cường. Để đưa ra quyết định trên, ông Widodo cũng phải tính đến thực tế rằng gần 60% trong tổng số 260 triệu dân của nước này đang sống tại Java và các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung tại khu vực này.
Trước đây, Jakarta từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô trên thực tế của các nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập.
Thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần vào nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm. Trong khi đó, mật độ đường sá trong thành phố thấp so với các thành thị khác trên thế giới, gây ra tình trạng kẹt xe gần như kinh niên.
(Theo TTXVN)