Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tạo bước ngoặt dù thành hay bại

08:05, 08/05/2019

Diễn biến dồn dập những ngày qua khiến giới quan sát dự đoán sẽ có bước ngoặt trong vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-5 ở Washington (Mỹ).

Diễn biến dồn dập những ngày qua khiến giới quan sát dự đoán sẽ có bước ngoặt trong vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-5 ở Washington (Mỹ).
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc gặp hồi đầu tháng 4 tại Washington, Mỹ - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc gặp hồi đầu tháng 4 tại Washington, Mỹ - Ảnh: Reuters
 
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 7-5 tuyên bố đoàn đàm phán nước này đã trên đường đến Washington để tiếp tục đối thoại với Mỹ. Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhân vật số 1 của Trung Quốc trong cuộc đàm phán này, sẽ có mặt.
 
Tâm lý chiến
 
Trước đó, vòng đàm phán quyết định ở Washington có nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ dọa tăng thuế từ 10% lên 25% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hôm 5-5 (giờ Mỹ), áp dụng từ ngày 10-5.
 
Phản ứng về tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng ngày 6-5 nói Trung Quốc vẫn cử phái đoàn đàm phán đến Mỹ, nhưng không đề cập sự tham gia của ông Lưu Hạc. Truyền thông sau đó đồn đoán ông Lưu sẽ không tham gia đàm phán như một cách đáp trả tuyên bố của ông Trump.
 
Mãi cho đến sau khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận kế hoạch của Washington là thực thi việc tăng thuế quan vào đúng 12h01 sáng 10-5, Trung Quốc mới chính thức xác nhận ông Lưu Hạc sẽ đến Washington.
 
Truyền thông Mỹ nhận định trước thái độ quyết liệt của Mỹ, Trung Quốc đã xác nhận sự có mặt của ông Lưu như một cách níu kéo hi vọng Nhà Trắng thay đổi quyết định vào phút chót. Nói thẳng như kênh CNBC, giới quan sát thị trường cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu thật nếu ông Lưu không tham gia đàm phán.
 
Trong khi đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc ngày 7-5 cho rằng phản ứng tốt nhất của Bắc Kinh là giữ bình tĩnh vào thời điểm hiện tại.
 
Global Times đặt câu hỏi liệu tuyên bố tăng thuế của ông Trump "có hàm ý rằng Mỹ muốn từ bỏ đối thoại, hay đang tìm cách tối đa hóa lợi ích vào phút cuối của cuộc đàm phán".
 
Tờ này cũng nhấn mạnh phản ứng từ chính quyền cho thấy Trung Quốc đang tập trung vào việc đàm phán "hơn là tham gia các cuộc đấu khẩu công khai".
 
Mỹ vừa đấm vừa xoa?
 
Trái với nghi ngờ do Global Times đưa ra, giới chuyên gia cho rằng ông Trump đang chờ đợi một thỏa thuận được chốt vào cuối tuần này.
 
Phó chủ tịch điều hành Ngân hàng UBS Jeb Hensarling nhận định cả hai nước đều hưởng lợi từ một thỏa thuận chung. "Việc đạt được thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai bên. Và tình thế hiện nay vẫn ủng hộ cho điều đó. Đây không phải lần đầu ngài tổng thống đe dọa tăng thuế" - ông Hensarling nói.
 
Thế nhưng nhà đầu tư nổi tiếng Jim Cramer, hiện đang chịu trách nhiệm chính cho chương trình Mad Money của kênh CNBC, lại nghĩ rằng Nhà Trắng sẽ không đồng ý với một thỏa thuận tồi. "Tổng thống và ông Lighthizer rõ ràng không muốn thỏa thuận nếu không đạt được một cơ chế thực thi" - ông nói.
 
Phân tích chuỗi diễn biến từ phía Mỹ, ông Cramer còn cho rằng Washington đang chơi trò vừa đấm vừa xoa với ông Lighthizer cầm vai cứng rắn, trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tỏ ra dĩ hòa vi quý.
 
Điểm quan trọng là giới chuyên gia và truyền thông hai nước khẳng định người dân và doanh nghiệp cả hai bên sẽ chống đỡ được trước gánh nặng kinh tế do loạt áp thuế mới mang lại.
 
Yahoo! Finance ngày 7-5 dẫn lời nhà kinh tế Tim Quinlan của Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) cho rằng Mỹ sẽ sống sót sau cú sốc lớn từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Quinlan cho rằng hậu quả kinh tế sẽ không đến nỗi tồi tệ như giới đầu tư lo sợ. Ông khẳng định: "Tôi vẫn rất công bằng khi nói chiến tranh thương mại với Trung Quốc đơn phương không thể khiến nền kinh tế Mỹ ngã quỵ".
 
Với luận điệu tương tự, ở phía bên kia đại dương, Global Times cũng khẳng định nếu đàm phán thất bại, Trung Quốc vẫn sẽ kiểm soát được những tác động của nó với nền kinh tế. Điều chắc chắn rằng người Mỹ kỳ vọng vào một thỏa thuận nhanh chóng nhiều hơn là người Trung Quốc, tờ báo này nhận xét.
 
Tựu trung, dù đổ bể hay chắc chắn đạt được một thỏa thuận, điều duy nhất có thể kỳ vọng là vòng đàm phán mới nhất này sẽ mang tới bước ngoặt cho tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
 
4 điểm vướng mắc
 
* Chuyển giao công nghệ: Mỹ tố Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường nội địa. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
 
* Bắc Kinh kiểm soát chặt nền kinh tế: Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi cách điều hành, giảm kiểm soát chặt nền kinh tế. Cả hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận nào về yêu cầu của Mỹ.
 
* Sở hữu trí tuệ: Trung Quốc vào tháng 3-2019 đã thông qua một đạo luật đầu tư mới để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ông Trump nói ông muốn "ngôn ngữ thi hành mạnh mẽ" hơn để giám sát việc thực hiện cam kết.
 
* Trung Quốc yêu cầu Mỹ tháo bỏ các mức áp thuế.
 
Nguồn: Bloomberg
 
(Theo tuoitre.vn)