ASEAN đạt bước tiến lớn

05:06, 25/06/2019

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một thuật ngữ do Mỹ khởi xướng trong lúc thúc đẩy kết thúc đàm phán một hiệp định kinh tế khu vực do Trung Quốc dẫn dắt.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một thuật ngữ do Mỹ khởi xướng trong lúc thúc đẩy kết thúc đàm phán một hiệp định kinh tế khu vực do Trung Quốc dẫn dắt.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) và lãnh đạo các thành viên ASEAN bắt tay đoàn kết ngày 23-6 - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) và lãnh đạo các thành viên ASEAN bắt tay đoàn kết ngày 23-6 - Ảnh: AFP
 
Hội nghị cấp cao ASEAN đã kết thúc ngày 23-6 tại Bangkok sau hai ngày làm việc. Điểm nhấn đáng kể là các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua "Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" với mục tiêu giúp cả khối đối phó tốt hơn với các thách thức trong tương lai.
 
"Bước tiến lớn của khu vực"
 
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã ca ngợi như vậy khi các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên ngoài hành lang diễn ra hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi không giấu được sự vui mừng và thốt lên "tạ ơn thánh thần" khi hay tin, bởi đây là sáng kiến của Indonesia và nó được bà Retno tích cực thúc đẩy thông qua các cuộc vận động hành lang.
 
Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dài 23 trang, bao gồm 5 điểm chính, đi từ bối cảnh đến lý do, mục tiêu, các nguyên tắc và những lĩnh vực các bên có thể cùng hợp tác. 
 
Một đoạn trong tuyên bố Tầm nhìn của ASEAN thừa nhận "các vấn đề hàng hải như những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết có khả năng mở ra những xung đột mở". 
 
Giới quan sát nhận định việc sử dụng chữ "tầm nhìn" thay vì "chiến lược" như Mỹ và Pháp đã làm trước đó cho thấy ASEAN không muốn làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc trong lúc cố gắng có tiếng nói lớn hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
 
"Tầm nhìn này không nhằm mục đích tạo ra một cơ chế mới hay thay thế các cơ chế hiện có. Nói đúng hơn, nó chỉ nhằm tăng cường quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời củng cố và tạo động lực mới cho các cơ chế do ASEAN dẫn đầu để đối mặt với những thách thức tốt hơn và nắm bắt các cơ hội phát sinh từ bối cảnh khu vực và toàn cầu trong cả hiện tại và tương lai", một đoạn khác trong tài liệu giãi bày.
 
Dù tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vấn đề liên quan đến Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa, Tuyên bố chủ tịch ASEAN 2019 đã loại bỏ các lời kêu gọi làm giảm căng thẳng và phòng ngừa sự cố trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN đã được nêu vào năm ngoái tại Singapore.
 
Lấy thương mại làm điểm chung
 
Điểm chung sáng nhất của các nước ASEAN trong hội nghị cấp cao lần này là nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. 
 
Các nhà lãnh đạo ASEAN đều đồng tình rằng với việc kết thúc sớm đàm phán RCEP, ASEAN cùng với 6 nước đối tác trong đó có Trung Quốc sẽ tạo thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, là "tấm đệm" giảm thiểu tác động tiêu cực cho ASEAN trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các đối tác thương mại chủ chốt.
 
"Nếu chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ có trong tay sức mạnh để mặc cả và đàm phán. Bởi vì khi chúng ta kết hợp cùng nhau, với 650 triệu người, chúng ta sẽ là một khối kinh tế lớn nhất thế giới" - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố trong cuộc họp báo sau hội nghị.
 
Mặc dù vậy, theo Đài Channel News Asia, trong cuộc họp kín giữa các nhà lãnh đạo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long liên tục bày tỏ quan ngại về sự khác biệt chiến lược giữa các nước thành viên ASEAN, lưu ý nhiều quốc gia ASEAN có bạn là Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
 
"Là các nước nhỏ, chúng ta không thể kiểm soát được chuyện nước lớn họ muốn làm gì, thế nào. Cái chúng ta có thể làm là đứng cùng nhau, nói cùng một tiếng nói. Có như thế mới thúc đẩy được các lợi ích tập thể của cả khối, cho dù là trong lĩnh vực thương mại hay an ninh, công nghệ - ông Lý khuyến cáo - Chỉ bằng cách tìm ra được điểm chung gắn kết tất cả các nước, các tiếng nói của chúng ta mới có thể 10 mà như 1".
 
(Theo Tuoitre.vn)