Tổng Thư ký LHQ cảnh báo không để xảy ra đối đầu lớn tại vùng Vịnh

07:06, 14/06/2019

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã cực lực lên án vụ tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản tại Vịnh Oman, đồng thời cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã cực lực lên án vụ tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản tại Vịnh Oman, đồng thời cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.
 
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: AP)
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: AP)
 
Ngày 13/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cực lực lên án vụ tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản tại Vịnh Oman, đồng thời cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn các nước Arab, Tổng thư ký Guterres nói: "Tôi lên án mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào tàu dân sự. Phải tìm hiểu sự thật và làm rõ trách nhiệm về vụ việc này".
 
Tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên đoàn Arab cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần có hành động sau các vụ tấn công trên, đồng thời thông báo một số nước trong khu vực đang điều tra làm rõ các vụ tấn công này.
 
Về phần mình, Ngoại trưởng Kuwait tuyên bố vụ tấn công các tàu chở dầu là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng thông tin về các vụ tấn công tại Vịnh Oman là rất đáng lo ngại và đe dọa gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin với người đồng cấp Albani đang ở thăm nước này, ông Mass nhấn mạnh: "Những thông tin mà chúng tôi nhận được là rất đáng lo ngại. Việc leo thang tình hình là rất nguy hiểm, có những vụ việc có nguy cơ dẫn tới leo thang. Chúng ta cần xoa dịu căng thẳng và tất cả các bên phải hỗ trợ điều đó".
 
Ngoại trưởng Mass vừa trở về nước từ chuyến đi tới Iran, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông gồm Iraq, Jordan và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) như một phần trong nỗ lực của các nước Liên minh châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cũng như tháo ngòi "căng thẳng" giữa Tehran và Washington. 
 
Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá tình hình ở Vịnh Oman. Trong một thông báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump "đã được thông báo về vụ tấn công các tàu ở Vịnh Oman. Chính phủ Mỹ đang hỗ trợ và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình."
 
Sáng 13/6, sự cố đã xảy ra đối với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo, vận hành.
 
Theo thông tin ban đầu, hai tàu trên đã "bị tấn công," có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính. Phía Chính phủ Iran cho rằng các sự cố này là rất "khả nghi" và nước này sẵn sàng hợp tác để bảo vệ các hải trình chiến lược.
 
Vụ việc trên xảy ra một tháng sau một sự cố tương tự cũng tại vùng biển này. Điều tra cho thấy mìn gài dưới đáy tàu đã gây hư hại cho 4 tàu thương mại. Saudi Arabia và Mỹ đổ lỗi cho Iran thực hiện vụ tấn công này, cáo buộc mà Tehran bác bỏ.
 
Giá dầu thô quốc tế ngày 13/6 đã tăng 4% sau khi có thông tin về sự cố mới.
 
(Theo TTXVN/Vietnam+)