LHQ kêu gọi châu Âu tiếp nhận người tị nạn mắc kẹt ở Địa Trung Hải

06:08, 14/08/2019

500 người di cư đang lênh đênh trên hai tàu cứu hộ ở Địa Trung Hải, Italy không muốn hai tàu này cập cảng trong khi các cơn bão đang xuất hiện và điều kiện sống của những người di cư ngày một xấu đi.

500 người di cư đang lênh đênh trên hai tàu cứu hộ ở Địa Trung Hải, Italy không muốn hai tàu này cập cảng trong khi các cơn bão đang xuất hiện và điều kiện sống của những người di cư ngày một xấu đi.
 
Những người di cư gặp nạn ở ngoài khơi Libya được tàu Ocean Viking cứu ngày 10/8/2019
Những người di cư gặp nạn ở ngoài khơi Libya được tàu Ocean Viking cứu ngày 10/8/2019
 
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 13/9 kêu gọi các chính phủ châu Âu khẩn cấp tiếp nhận 500 người mới được cứu sống nhưng hiện vẫn mắc kẹt ở Địa Trung Hải trong bối cảnh Lục địa già chưa đạt được thống nhất về việc quốc gia nào sẽ tiếp nhận số người di cư này. 
 
Đặc phái viên UNHCR phụ trách khu vực Địa Trung Hải, ông Vincent Cochetel, cho biết đây đang là cuộc chạy đua với thời gian, khi mà các cơn bão đang xuất hiện và điều kiện sống của những người di cư này ngày một xấu đi.
 
500 người di cư đang lênh đênh trên hai tàu do các nhóm trợ giúp nhân đạo thuê, trong khi chính quyền Italy không muốn hai tàu này cập cảng nước này.
 
Theo báo cáo của UNHCR, đã có tới 600 người thiệt mạng hoặc mất tích trên vùng biển giữa Libya và Italy kể từ đầu năm đến nay.
 
Liên quan đến vấn đề người di cư, ngày 13/8, Tây Ban Nha đã từ chối xem xét đề nghị từ một tàu cứu hộ của nước này cấp quy chế tị nạn cho 31 trẻ vị thành niên đang bị mắc kẹt trên tàu.
 
Trước đó, ngày 12/8, thuyền trưởng tàu Open Arms, Marc Reig đã gửi thư tới Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Malta đề nghị Madrid cấp nơi cư trú cho các trẻ vị thành niên đang bị mắc kẹt ngoài khơi Địa Trung Hải, cho rằng tất cả những đưa trẻ này đều đáp ứng tất cả các điều kiện để được công nhận tị nạn.
 
Tuy nhiên, hiện cả Malta và Italy đều từ chối cho phép tàu trở người di cư đang ở ngoài khơi đảo Lampedusa, thuộc miền Nam Italy, được cập bến.
 
Theo hiến pháp Tây Ban Nha, tất cả các đơn xin tị nạn phải do đích thân người có nguyện vọng nộp hoặc một đại diện được pháp luật công nhận. Việc thuyền trưởng một tàu cứu hộ đề nghị là không hợp lệ.
 
(Theo TTXVN)