Hãng bay phải bồi thường vì không dùng tiếng Pháp trên khóa an toàn

07:09, 01/09/2019

Hãng hàng không Air Canada đã phải bồi thường 21.000 CAD cho cặp vợ chồng khiếu nại rằng chữ viết trên thắt lưng an toàn quá nhỏ và không được viết bằng tiếng Pháp.

Hãng hàng không Air Canada đã phải bồi thường 21.000 CAD cho cặp vợ chồng khiếu nại rằng chữ viết trên thắt lưng an toàn quá nhỏ và không được viết bằng tiếng Pháp.
 
Máy bay của hãng hàng không Air Canada
Máy bay của hãng hàng không Air Canada
 
CNN ngày 31.8 đưa tin tòa án liên bang Canada đã yêu cầu hãng hàng không Air Canada bồi thường và gửi thư xin lỗi chính thức cho vợ chồng ông Michel và bà Lynda Thibodeau sống ở thành phố Ottawa vì nhiều lần vi phạm về quy tắc bình đẳng ngôn ngữ.
 
Ông bà Thibodeau thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp ở Canada, từ năm 2016 đã gửi hơn 22 khiếu nại vì chữ “kéo lên” in trên nắp khóa dây đeo an toàn trên máy bay của hãng chỉ được viết bằng tiếng Anh mà không có tiếng Pháp.
 
Bên cạnh đó, nhà Thibodeau còn cho rằng các biển báo chỉ “lối thoát” và “cảnh báo” trên máy bay viết bằng tiếng Pháp nhỏ hơn chữ tiếng Anh và bảng thông báo tại sân bay có nội dung tiếng Pháp “ít chi tiết hơn” đoạn nội dung viết bằng tiếng Anh.
 
Cặp vợ chồng viện dẫn đạo luật ngôn ngữ chính thức ở Canada để kiện Air Canada vì theo luật, tiếng Anh và tiếng Pháp phải có vị thế cân bằng.
 
Air Canada cho rằng nguyên đơn đã diễn giải luật pháp một cách quá cứng nhắc và cho rằng chính nhà sản xuất mới là bên viết chữ trên thắt lưng an toàn, đồng thời việc sử dụng cũng đã được giải thích trong một đoạn phim song ngữ.
 
Trước đó, vợ chồng nhà Thibodeau nhiều lần kiện Air Canada về việc thiếu các dịch vụ cho người nói tiếng Pháp trên máy bay nhưng hãng bay chỉ bị xử phạt nhẹ. Tuy nhiên lần này, tòa án liên bang lại đứng về phía nguyên đơn và yêu cầu hãng hàng không bồi thường tổng cộng 21.000 CAD (365 triệu đồng).
 
Dù khởi kiện nhưng vợ chống Thibodeau nói sẽ tiếp tục đi máy bay của Air Canada và mong đợi những vi phạm sẽ không bị lặp lại. “Chính Air Canada chứ không phải tôi mới là người nên thay đổi. Họ nên phục vụ hành khách nói tiếng Pháp đúng như cách mà họ phục vụ hành khách nói tiếng Anh”, ông Thidobeau nói.
 
(Theo thanhnien.vn)