Hàng triệu người trên khắp thế giới đã đổ ra đường tuần hành để yêu cầu chính phủ các nước có hành động đối phó biến đổi khí hậu, chỉ 1 ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Liên Hiệp Quốc.
Hàng triệu người trên khắp thế giới đã đổ ra đường tuần hành để yêu cầu chính phủ các nước có hành động đối phó biến đổi khí hậu, chỉ 1 ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Liên Hiệp Quốc.
Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển 16 tuổi, tham gia cuộc tuần hành "Bãi khóa vì khí hậu" ở khu Manhattan, New York Mỹ ngày 20-9 |
Ngày 20-9 (giờ địa phương), một đám đông gồm ít nhất 200.000 người đã tuần hành tại khu Manhattan ở thành phố New York, hòa mình cùng với hàng trăm và có thể hàng triệu người biểu tình từ Úc cho tới Thái Lan và Anh để tham gia phong trào "Bãi khóa vì khí hậu" (hay còn gọi "Thứ sáu vì tương lai"), theo báo USA Today.
Trong khi những người ủng hộ phong trào thuộc mọi lứa tuổi, điểm đáng chú ý của ngày này là nhiều học sinh không tham dự các lớp học và thay vào đó tham gia các cuộc biểu tình để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu, phát thải khí CO2 và các vấn đề môi trường khác.
Phong trào quốc tế này bắt đầu được tổ chức rộng rãi và công khai khi nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg (sinh năm 2003) bắt đầu biểu tình một mình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển vào tháng 8-2018. Lúc đó, nữ sinh này cầm một tấm biển ghi "Skolstrejk för klimatet" (Bãi khóa vì khí hậu).
"Hôm nay, khoảng 4 triệu người trên khắp thế giới đang tuần hành. Đây là cuộc bãi khóa vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử và tất cả chúng ta nên tự hào về chính mình vì chúng ta đã cùng nhau làm điều này" - Thunberg phát biểu trước hàng chục ngàn người ở công viên Battery phía nam Manhattan.
Các trường học ở thành phố New York đã cho phép 1,1 triệu học sinh vắng mặt để tham gia tuần hành. Theo trang CBSN New York, với sự cho phép của phụ huynh, các học sinh trong thành phố không gặp rắc rối gì khi "bãi khóa vì khí hậu".
"Biến đổi khí hậu còn tồi tệ hơn bài tập về nhà" - một người tham gia tuần hành cầm một tấm biển ghi khi đi từ quảng trường Foley tới tòa thị chính của thành phố. Một người khác hô to rằng trái đất đang bị "chiên" lên vì quá nóng.
"Ngày hôm nay, chúng ta không đến trường và một số người lớn cũng không đi làm. Và tại sao như vậy? Vì đây là tình trạng khẩn cấp. Ngôi nhà của chúng ta đang cháy!" - nhà hoạt động Thunberg cảnh báo.
Theo Hãng tin AFP, nhiều học sinh và người lớn đã hô to các khẩu hiệu và cầm những áp phích trong các cuộc biểu tình tương tự tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, cho tới châu Âu và Mỹ Latin để yêu cầu chính phủ các nước có hành động chống biến đổi khí hậu.
Cũng trong ngày 20-9, hàng trăm nhân viên của Google, Amazon và các công ty công nghệ khác đã tham gia các cuộc tuần hành ở San Francisco và Seattle. Họ chỉ trích ngành công nghiệp này vì chậm chạp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các nhà tổ chức cho biết khoảng 4 triệu người đã tham gia "bãi khóa vì khí hậu". Trong khi đó, trang Vox viết: "Số người tham gia trên khắp thế giới khó mà biết chính xác. Tuy nhiên, sự kiện này thật sự có quy mô toàn cầu và được tổ chức tốt đáng kinh ngạc. Có 2.500 sự kiện được lên kế hoạch ở hơn 150 quốc gia".
Những lo ngại về "sức khỏe" của hành tinh chúng ta ngày càng nhân lên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và có một loạt động thái tương tự.
Theo Hãng tin Reuters, ông Trump và Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil nằm trong số những nhà lãnh đạo quốc gia duy nhất trên thế giới công khai đặt nghi vấn về vấn đề biến đổi khí hậu. Họ sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York tổ chức từ ngày 21 tới 23-9.
(Theo tuoitre.vn)