EU có thể tiến hành tham vấn để lựa chọn giữa việc sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp nhằm xem xét vấn đề gia hạn Brexit, hay sẽ đưa ra đề nghị này theo đường văn bản.
EU có thể tiến hành tham vấn để lựa chọn giữa việc sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp nhằm xem xét vấn đề gia hạn Brexit, hay sẽ đưa ra đề nghị này theo đường văn bản.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Donald Tusk |
Ngày 20/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo đã nhận được bức thư của Anh đề nghị gia hạn Brexit và ông sẽ tham vấn với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này.
Ông Donald Tusk có thể tiến hành tham vấn với lãnh đạo EU để lựa chọn giữa việc sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp nhằm xem xét vấn đề gia hạn Brexit, hay sẽ đưa ra đề nghị này theo đường văn bản.
Tại Anh, trước đó cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi 2 bức thư cho lãnh đạo EU, trong đó bức thư đầu tiên ông không ký tên, đề nghị gia hạn thời gian đàm phán điều 50 Hiệp ước Lisbon tới ngày 31/1/2020, đồng nghĩa với việc trì hoãn Brexit thêm 3 tháng theo đúng một dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua. Bức thư thứ hai được Thủ tướng Boris Johnson ký tên, trong đó ông gọi việc gia hạn Brexit như yêu cầu của Hạ viện Anh là một sai lầm.
Trong khi đó, nghị sỹ và các nhà ngoại giao EU đã có những phản ứng không mấy tích cực trước việc Hạ viện Anh quyết định trì hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit mới.
Người đứng đầu nhóm nghị sỹ Bảo thủ tại Nghị viện châu Âu (EP) Manfred Weber cho biết ông rất lấy làm tiếc về những tiến triển tại Hạ viện Anh, đồng thời bày tỏ bức xúc trước thế bế tắc của nước Anh.
Nghị sỹ Weber cho rằng EU đã thể hiện sự kiên nhẫn và thiện chí để đưa ra một thỏa thuận cho tất cả. Giờ đây, EU đang đợi xem Chính phủ Anh sẽ quyết định làm gì trong những bước tiếp theo và "nói rõ cho EU biết những mong muốn của London."
Trong khi đó, một nhà ngoại giao giấu tên của EU nhấn mạnh việc Hạ viện Anh thấy cần phải có những bước tiến hành thận trọng để giảm thiểu nguy cơ Brexit không thỏa thuận là quyết định riêng từ phía Anh.
Phía EU muốn Brexit không thỏa thuận đảm bảo sẽ không xảy ra.
Trước đó cùng ngày, với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh đã ủng hộ một đề xuất do cựu nghị sỹ đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19/10 về thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa Thủ tướng Johnson và các nhà lãnh đạo EU cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua.
Điều này đã buộc Thủ tướng Johnson phải gửi thư đề nghị EU gia hạn Brexit lùi đến ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, nếu toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được quốc hội thông qua, ông Johnson vẫn có thể thực hiện Brexit đúng hạn chót 31/10.
Theo một nhà ngoại giao EU, các lãnh đạo EU không nhất thiết bắt buộc phải có câu trả lời ngay lập tức khi nhận được thư đề nghị gia hạn Brexit, nhiều khả năng lãnh đạo EU muốn đợi xem điều gì sẽ xảy ra tại Hạ viện Anh vào đầu tuần tới. Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cũng cho rằng cần có sự nhất trí trong các lãnh đạo EU để quyết định gia hạn Brexit hay không.
Theo kế hoạch, đại sứ các nước EU sẽ họp gày 20/10 để thảo luận về những diễn biến mới của Brexit. Mặc dù có những bất ổn hiện nay tại Anh, nhưng các đại sứ EU vẫn hy vọng EP sẽ bắt đầu tiến trình thông qua thỏa thuận Brexit mới. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết EU cần nắm rõ những bước tiếp theo của Chính phủ Anh và EU sẽ xem xét đề nghị gia hạn trên tinh thần xây dựng.
Trong khi đó, người phát ngôn EP Jaume Duch xác nhận các nghị sỹ châu Âu sẽ thảo luận về tình trạng hiện nay vào ngày 21/10.
(Theo Vietnam+)