Theo PAX, hơn 300 thực thể tài chính trên thế giới đã đầu tư tổng cộng 748 tỷ USD vào các công ty liên quan công nghiệp vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2 năm (tính đến tháng 1/2020).
Theo PAX, hơn 300 thực thể tài chính trên thế giới đã đầu tư tổng cộng 748 tỷ USD vào các công ty liên quan công nghiệp vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2 năm (tính đến tháng 1/2020).
Ảnh minh họa |
Theo một báo cáo của PAX - tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Hà Lan, hơn 300 thực thể tài chính trên thế giới đã đầu tư tổng cộng 748 tỷ USD vào các công ty liên quan công nghiệp vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2 năm (tính đến tháng 1/2020), tăng 42% so với báo cáo trước đó - được thực hiện trong thời gian từ 1/2014 đến tháng 10/2017 với 20 công ty.
Tuy nhiên, số lượng các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển vũ khí này tiếp tục xu hướng giảm.
Báo cáo cho biết, trong số 325 nhà đầu tư nêu trên có 8 doanh nghiệp cho vay của Nhật Bản (trong đó có Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., Mizuho Financial Group Inc. và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc) với tổng đầu tư 25,5 tỷ USD.
Trong khi đó, 18 đơn vị tiếp nhận đầu tư mà PAX gọi là "18 công ty sản xuất vũ khí hạt nhân hàng đầu" bao gồm cả Boeing và Lockheed Martin - tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân tầm xa Minuteman.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo, Susi Snyder - tác giả chính của báo cáo trên - cho hay, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng lên trong bối cảnh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ và Nga đang thúc đẩy việc mở rộng sản xuất vũ khí và phát triển các vũ khí hạt nhân mới. Bà viện dẫn, vốn đầu tư của Boeing tăng 192%, còn của công ty quốc phòng Pháp Thales SA tăng 300%.
Tuy nhiên, theo bà Snyder, số lượng các nhà đầu tư đã tiếp tục giảm sau khi dư luận quốc tế lên tiếng phản đối mạnh mẽ các khoản đầu tư phát triển các loại vũ khí phi nhân tính như vũ khí hạt nhân.
Bà viện dẫn điều khoản trong hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, không cho phép hỗ trợ phát triển các loại vũ khí này hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác. Hiệp ước đã Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2017.
(Theo Vietnam+)