Liên minh châu Âu quyết tâm tự vệ trước thuế quan của Mỹ

06:10, 02/10/2019

Ông Skinnari tuyên bố EU quyết tâm theo đuổi chương trình nghị sự thương mại tích cực với Mỹ, nhưng sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình khi cần, trong khuôn khổ tôn trọng các quy định của WTO.

Ông Skinnari tuyên bố EU quyết tâm theo đuổi chương trình nghị sự thương mại tích cực với Mỹ, nhưng sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình khi cần, trong khuôn khổ tôn trọng các quy định của WTO.
 
Cuộc chiến giữa Airbus với Boeing là một trong nhiều vấn đề gây ra căng thẳng giữa EU và Mỹ.
Cuộc chiến giữa Airbus với Boeing là một trong nhiều vấn đề gây ra căng thẳng giữa EU và Mỹ.
 
Ngày 1/10, ông Ville Skinnari - Bộ trưởng Thương mại Phần Lan - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), cho biết khối này sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình nếu Mỹ áp các sắc thuế mới sau khi được sự cho phép của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến cuộc chiến giữa 2 tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau cuộc họp với những người đồng cấp EU, ông Skinnari tuyên bố EU quyết tâm theo đuổi một chương trình nghị sự thương mại tích cực với Mỹ, nhưng sẵn sàng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của mình khi cần, trong khuôn khổ tôn trọng các quy định của WTO.
 
Dự kiến WTO sẽ thông báo trong ngày 2/10 về quyết định liên quan tới hàng tỷ USD thuế quan của Mỹ áp đặt với châu Âu, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn chưa có ý kiến rõ ràng về đề nghị "giảm căng thẳng" của Brussels.
 
Về phần mình, Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom cho rằng dù hai bên đều phạm sai lầm và đều có thể áp đặt các biện pháp về thuế quan lên nhau, song y không phải là một giải pháp tốt. EU vẫn chưa từ bỏ hy vọng tìm kiếm một giải pháp đàm phán với phía Mỹ.
 
Cuộc chiến pháp lý lâu nay giữa Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004 khi Mỹ cáo buộc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp để hỗ trợ cho Airbus.
 
Một năm sau, EU cáo buộc Boeing cũng nhận được khoản trợ cấp bị cấm trị giá 19,1 tỷ USD trong giai đoạn 1989-2006, từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ.
 
Theo quy định của WTO, EU và Mỹ đều có quyền trừng phạt lẫn nhau và Washington quyết định hành động trước trong việc áp thuế.
 
Các báo cáo cho biết WTO sẽ cho phép Washington nhắm tới khoảng từ 7-8 tỷ USD hàng hóa của châu Âu. Hiện EU dự kiến sẽ áp đặt thuế tương tự đối với Mỹ vào đầu năm 2020.
 
Brussels đang yêu cầu 12 tỷ USD trừng phạt, nhưng WTO có thể sẽ quyết định con số thấp hơn.
 
Cuộc chiến Airbus-Boeing chỉ là một trong nhiều vấn đề gây ra căng thẳng xuyên Đại Tây Dương và vụ việc đang ngày càng trở nên phức tạp kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017.
 
(Theo TTXVN)