Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ đăng quang Nhà vua Naruhito thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ đăng quang Nhà vua Naruhito thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.
Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trong lễ đăng quang tại Hoàng cung Nhật Bản |
Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, ngày 22/10/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo, Nhật Bản.
Nhà vua Naruhito lên ngôi ngày 1/5/2019 sau khi Nhà vua Akihito, cha của ông, thoái vị ngày 30/4/2019, đưa Nhật Bản bước vào thời đại Lệnh Hòa (Reiwa). Nhà vua Nhật Bản được coi là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản.
Lễ đăng quang của Nhà vua Naruhito được tổ chức trang trọng với sự tham dự đông đảo của khách mời trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đến ngày 15/10/2019, có 186 quốc gia và tổ chức quốc tế xác nhận cử đại diện tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản lần này, trong đó có 15 Nhà vua/Quốc vương các nước, 7 Hoàng Thái tử, 3 đoàn là thành viên Hoàng gia, 67 đoàn cấp Tổng thống, 12 đoàn cấp Phó Tổng thống, 25 đoàn cấp Thủ tướng….
Đây được coi là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất, với sự tham dự của nhiều Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế nhất mà Nhật Bản từng tổ chức.
Tại Lễ đăng quang, Nhà vua Naruhito đã tuyên thệ sẽ hành động theo đúng Hiến pháp, hoàn thành trọng trách là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Nhà vua bày tỏ mong muốn Nhật Bản, với trí tuệ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân Nhật Bản, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào tình hữu nghị và hòa bình của cộng đồng quốc tế, cũng như lợi ích và sự thịnh vượng của nhân loại.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác Viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại.
Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đã vượt con số 330.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Nhật Bản. Hai nước cũng tích cực hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC…
Nhà vua Naruhito và Hoàng gia Nhật Bản có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nhà Vua Naruhito đã từng thăm Việt Nam năm 2009 trên cương vị Hoàng Thái tử. Thượng Hoàng Akihito, cha của Nhà vua Naruhito, là Nhà vua đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Việt Nam năm 2017 và đây cũng là chuyến thăm chính thức nước ngoài cuối cùng của ông trước khi thoái vị ngày 30/4/2019 vừa qua.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ đăng quang Nhà vua Naruhito thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, được Chính phủ, Hoàng gia Nhật Bản đánh giá cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước trong thời gian tới cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoàng gia Nhật Bản.
(Theo vov.vn)