Nếu nay mai Biển Hồ hết cá...

06:11, 12/11/2019

Một mùa lũ cá không về thật khó hình dung đối với người dân sống bao đời nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một viễn cảnh đang được giới khoa học cảnh báo.

Một mùa lũ cá không về thật khó hình dung đối với người dân sống bao đời nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một viễn cảnh đang được giới khoa học cảnh báo.
 
Lễ hội nước Bon Om Touk năm nay đang diễn ra từ ngày 10 đến 12-11 ở Campuchia mang một bầu không khí khó diễn tả, lý do vì... có quá ít nước để ăn mừng. Các đập thủy điện thượng nguồn cộng với trận hạn hán bất thường giữa mùa mưa khiến nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.
 
Nước không về, hồ Tonle Sap, hay còn gọi là Biển Hồ, không còn phù sa và dinh dưỡng để nuôi đàn cá cung cấp cho mấy chục triệu dân khu vực hạ nguồn Mekong.
 
Ngư dân buồn thiu với số cá ít ỏi bắt được. Đây là con cá lớn nhất mà bà bà Khout Phany mua được trong buổi sáng
Ngư dân buồn thiu với số cá ít ỏi bắt được. Đây là con cá lớn nhất mà bà bà Khout Phany mua được trong buổi sáng
 
Mùa lũ chỉ còn 6 tuần
 
Năm nay, mùa lũ ở Biển Hồ chỉ kéo dài đúng 6 tuần. Ít nước đồng nghĩa với ít cá, thực tế khô khốc này đang phơi bày trên đất Campuchia và tất cả các nước hạ nguồn Mekong. "Nó là quả tim nóng của dòng Mekong. Sự sống của dòng sông này chảy ra từ hồ Tonle Sap" - ông Brian Eyler - giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), tác giả quyển sách Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ - mô tả hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.
 
Thật vậy, mỗi năm Biển Hồ sản sinh ra nửa triệu tấn cá cho người dân Campuchia, và
 
2,6 triệu tấn cá đánh bắt trên khắp lưu vực Mekong thuộc lãnh thổ ba nước Thái Lan, Việt Nam và Lào.
 
Bí mật của sự sống Biển Hồ nằm ở hệ thống xung lũ độc đáo. Bình thường, sông Tonle Sap chảy vào sông Mekong nhưng trong mùa mưa hằng năm, dòng Mekong ào ạt đẩy nước ngược trở lại sông Tonle Sap, từ đó tiếp tục chảy vào Biển Hồ. "Nhờ vậy Biển Hồ phình ra gấp 5 lần so với kích thước vào mùa khô. Không chỉ bổ sung nước, dòng lũ còn mang theo rất nhiều phù sa vốn hình thành nên mạng lưới dinh dưỡng giúp đàn cá di cư về hồ Tonle Sap sinh sôi, nảy nở" - chuyên gia Eyler giải thích.
 
Khi nước lũ rút, dòng chảy sông Tonle Sap lại đảo ngược, lần này mang theo phù sa, cá và trứng cá trở lại sông Mekong. Từ đó, cá tiếp tục di chuyển lên các bãi sinh sản trên thượng nguồn ở Lào, Thái Lan hoặc xuống hạ nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tương lai bất định
 
"Năm ngoái, mỗi khi ngư dân cập bờ, họ bán từ 5-10kg cá, còn năm nay chỉ 1-2kg. Mực nước thấp chính là vấn đề" - bà Khout Phany, 39 tuổi, thương lái mua cá ở làng Chhnok Tru phía nam Biển Hồ, mô tả thực tế đang xảy ra.
 
Chẳng hạn, vợ chồng ngư dân Tim Chhoeun thức trắng cả đêm trên Biển Hồ nhưng trở về chỉ với 3kg cá vào buổi sáng. Bà vợ Chhum South, 40 tuổi, lo rằng nếu tình hình không khá hơn, bà phải đi tìm việc trong một đồn điền trồng khoai mì của Trung Quốc để sống qua ngày. "Tôi không muốn các con tôi làm nghề đánh cá. Tôi bảo chúng phải học hành chăm chỉ và tìm một công việc tốt, thoát khỏi số phận của tôi" - bà tâm sự.
 
Bà Phap Phalla, một người địa phương chuyên kết nối ngư dân với các tổ chức phi chính phủ, nhận xét đây là năm hạn tồi tệ nhất bà từng chứng kiến. "Tháng tới lẽ ra là cao điểm mùa đánh bắt cá, nhưng chưa gì nước và cá đã đi hết, người dân sẽ sống sao? - bà Phalla trầm ngâm.
 
Ngoài các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu, tác động chủ quan của con người là thứ khiến cho tương lai Biển Hồ và sông Mekong càng trở nên bất định. "Nếu 11 đập thủy điện lớn ở hạ lưu Mekong được xây, 2 ở Campuchia và 9 ở Lào, đó sẽ là đoạn kết của dòng sông vĩ đại. Sức sống tự nhiên, khả năng nuôi dưỡng vùng đất để tạo ra ngư trường nội địa lớn nhất thế giới này... sẽ không còn nữa" - chuyên gia Eyler của Trung tâm Stimson dự báo.
 
An ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
 
(Theo tuoitre.vn)