Đáp lại sự dọa dẫm của Trung Quốc, ngoại trưởng Nhật nói thẳng nhiều tên lửa Trung Quốc đủ sức bắn tới Nhật nên Bắc Kinh phải là người đầu tiên cắt giảm kho vũ khí trước khi đi nói người khác.
Đáp lại sự dọa dẫm của Trung Quốc, ngoại trưởng Nhật nói thẳng nhiều tên lửa Trung Quốc đủ sức bắn tới Nhật nên Bắc Kinh phải là người đầu tiên cắt giảm kho vũ khí trước khi đi nói người khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhiều lần yêu cầu Nhật và Hàn Quốc không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tới các nước này trong những cuộc gặp kín với những người đồng cấp.
Phần lớn các cuộc gặp diễn ra cách đây vài tháng nhưng mới được báo Asahi Shimbun của Nhật tiết lộ ngày 19-11.
"Nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tới Nhật Bản, tôi e điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của chúng ta", ông Vương Nghị đặt vấn đề trong cuộc họp hồi tháng 8 với Ngoại trưởng Nhật khi đó là ông Taro Kono.
Ngoại trưởng Trung Quốc sau đó cũng đưa ra các cảnh báo tương tự khi gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha.
Nguồn tin riêng của Asahi tiết lộ ông Kono không đả động gì đến khả năng Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nước này. Thay vào đó ngoại trưởng Nhật nói thẳng Trung Quốc sở hữu rất nhiều tên lửa đủ sức bắn tới Nhật nên Bắc Kinh phải là người cắt giảm kho vũ khí trước khi nhắc nhở người khác.
Ông Kono hiện đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Tương tự, trước yêu cầu của ông Vương Nghị, ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng trước tiên Trung Quốc nên chấm dứt các biện pháp trả đũa đối với Hàn Quốc sau khi nước này đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định các đòi hỏi của Bắc Kinh là hết sức vô lý.
"Bằng cách đưa ra những cảnh báo với Nhật và Hàn Quốc, Trung Quốc đang nói với thế giới rằng họ thì có quyền sở hữu kho tên lửa tầm trung đe dọa các nước láng giềng, còn các nước đó thì không được phép sở hữu thứ gì đe dọa Trung Quốc", bà Glaser bình luận.
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc |
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến Trung Quốc lo lắng Washington có thể triển khai các tên lửa loại này đến các nước đồng minh sát sườn như Nhật và Hàn Quốc.
Một trong những lý do Mỹ rút khỏi INF, như Tổng thống Donald Trump đã nói thẳng, là sự thiếu công bằng vì Trung Quốc và Nga đang phát triển nhiều tên lửa hạt nhân tầm trung trong khi Mỹ lại bị ràng buộc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người đang có chuyến thăm một loạt nước châu Á, đã nêu ý tưởng sử dụng tên lửa chính xác tầm xa để kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc.
Ông Esper lập luận trong bối cảnh năng lực tên lửa của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, việc đưa quân và vũ khí đến sát nước này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn trước.
Một nguồn tin của Asahi trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết có thể sẽ mất khoảng 5 năm để tên lửa Mỹ sẵn sàng được triển khai. Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ, Nhật và Hàn Quốc trong tháng 12 tới.
(Theo tuoitre.vn)