Sau cuộc điện đàm cuối tuần qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhắc tới những từ ngữ như 'đạt được sự tiến bộ' hay 'đạt được sự nhất trí'.
Sau cuộc điện đàm cuối tuần qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhắc tới những từ ngữ như ‘đạt được sự tiến bộ’ hay ‘đạt được sự nhất trí’.
Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin |
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhận định, thỏa thuận ‘bước 1’ giữa Washington và Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều rào cản, trong đó có sự bất đồng về lượng nông sản Trung Quốc sẽ mua từ Mỹ, hay như vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ.
Sự nhận định này được đưa ra sau cuộc điện đàm “mang tính xây dựng” giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cuối tuần qua.
Tuy nhiên cả hai bên đều không dùng tới những từ ngữ như ‘đạt được sự tiến bộ’ hay đạt được sự nhất trí’ trong đánh giá của họ về cuộc đàm thoại, điều mà 3 người này thường nói sau các cuộc điện đàm trước đây.
“Bắc Kinh và Washington đã hoàn toàn không nhất trí về những vấn đề rộng lớn, như sẽ có bao nhiêu nông sản Mỹ được Trung Quốc mua, hay như Bắc Kinh có sửa đổi điều luật của nước này nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ theo yêu cầu từ phía Washington, và Trung Quốc sẽ mở rộng ngành tài chính của nước này ra sao để Mỹ-Trung cùng có lợi”, SCMP trích lời chuyên gia về quan hệ quốc tế Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân Dân tại Bắc Kinh cho biết.
“Và sẽ là cả một chặng đường dài để Bắc Kinh và Washington đi tiếp nhằm thiết lập một thỏa thuận thương mại bền vững”, ông Shi nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc đã trải qua 13 vòng đàm phán, lần gần đây nhất là hôm 11/10 vừa qua tại Washington, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với phái đoàn đàm phán Trung Quốc.
Đầu tháng này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên đã nhất trí sẽ dỡ bỏ một số mức áp thuế khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết thỏa thuận tạm thời. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Trump phản bác tuyên bố trên, đồng thời cho biết ông sẽ không rút lại những mức thuế như phía Trung Quốc mong muốn.
SCMP cho biết, dự kiến việc Washington tăng thuế thêm 15% cho lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 156 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 tới. Đồng thời phía Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách nhằm vào 120 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chủ yếu là hàng nông sản. Và điều này khiến nhiều nhà phân tích của ‘quốc gia tỷ dân’ không cảm thấy lạc quan về việc Mỹ-Trung sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại đúng nghĩa.
Hiện Tổng thống Trump đang khăng khăng cho rằng, phía Trung Quốc sẽ phải đồng ý mua 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ như là điều kiện của thỏa thuận hai nước, điều mà phía Bắc Kinh không hề xác nhận.
Bản báo cáo của Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận về cuộc đàm phán cho biết, hiện các quan chức Trung Quốc sẵn sàng mua thêm hàng nông sản Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại ‘bước 1’ , tuy nhiên giá trị số lượng nông sản Bắc Kinh sẽ mua không tới mức 40 hay 50 tỷ USD như Tổng thống Trump tuyên bố.
TQ có thể ‘đánh’ vào nông sản Mỹ nếu Washington tăng thuế hàng hóa |
Chuyên gia về các vấn đề Mỹ Liu Weidong thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, hai bên Mỹ-Trung đang có những cách tiếp cận khác nhau, và điều này đang làm cản trở quá trình đàm phán.
“Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ các mức thuế như bước tiến đầu tiên của các cuộc đàm phán, trong khi Washington muốn Bắc Kinh giải quyết các vấn đề như bảo hộ tài sản trí tuệ như điều kiện tiên quyết cho việc hạ các mức áp thuế”, ông Liu cho biết.
“Và bất cứ khi nào Bắc Kinh có những sự nhượng bộ, thì Washington liền đưa ra những yêu cầu mới, và điều này khiến Bắc Kinh không chấp nhận nổi”, ông Liu nói thêm.
Tuy nhiên theo chuyên gia Shi, phía Mỹ sẽ chỉ muốn kết thúc thương chiến một khi nước này chịu những tác động từ việc kinh tế toàn cầu đi xuống. “Sẽ chỉ có một trường hợp Mỹ-Trung có thể đạt được thỏa thuận. Ví dụ như kinh tế Mỹ đi xuống do nền kinh tế toàn cầu xấu đi. Còn không, sẽ mất nhiều thời gian để cả hai bên có thể thiết lập được một thỏa thuận đúng nghĩa”, ông Shi kết luận.
(Theo vietnamnet.vn)