Vinh danh Henri Martin, chiến sĩ cộng sản Pháp đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam

06:11, 08/11/2019

Tối 7-11 tại TP Pantin, ngoại ô Paris, diễn ra lễ gắn biển tên phố mang tên Henri Martin, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người bạn lớn và thủy chung của nhân dân Việt Nam.

Tối 7-11 tại TP Pantin, ngoại ô Paris, diễn ra lễ gắn biển tên phố mang tên Henri Martin, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người bạn lớn và thủy chung của nhân dân Việt Nam.
 
Phố Henri Martin xuất hiện tại TP Pantin từ ngày 6-11-2019
Phố Henri Martin xuất hiện tại TP Pantin từ ngày 6-11-2019
Tham dự có Thị trưởng TP Pantin, Bertrand Kern; Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, Fabien Roussel; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; người thân của ông Henri Martin, bà Raymonde Dien và rất nhiều bạn Pháp đã từng tham gia đấu tranh hết lòng vì hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam.
 
Henri Martin sinh ngày 23-1-1927 và mất ngày 17-2-2015, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 88 tuổi.
 
Các bài phát biểu của lãnh đạo TP Pantin, Đảng Cộng sản Pháp và Đại sứ Việt Nam tại Pháp nêu bật những đóng góp to lớn của Henri Martin, một trong những người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam và Đông Dương trong những năm 1950, một người bạn vô cùng thân thiết của dân tộc Việt Nam.
 
Henri Martin được nhiều thế hệ những người kháng chiến Việt Nam biết đến như một người bạn Pháp đã dũng cảm đấu tranh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Là thủy thủ trên tàu chiến mang tên Chevreuil của Pháp sang Đông Dương để giải giáp quân đội phát-xít Nhật, nhưng sau khi chứng kiến cảnh thành phố Hải Phòng bị tàn phá năm 1946, ông đã nhận ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến mà Pháp đang tiến hành ở Đông Dương.
 
Nhận ra đây thực chất là cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, ông xin xuất ngũ ngay nhưng bị từ chối. Trở lại quân cảng Toulon, ông liên lạc với chi bộ Đảng Cộng sản Pháp ở tỉnh Var, tham gia rải truyền đơn kêu gọi thủy thủ phản chiến. Ngày 13-3-1950 ông bị bắt và bị Tòa án quân sự Pháp kết án 5 năm tù. Trước tòa, ông lớn tiếng tuyên bố rằng quyền độc lập thuộc về người dân Việt Nam.
 
Hành động của Henri Martin và việc ông bị cầm tù đã làm dấy lên phong trào đòi trả tự do cho ông. Trước sức ép của dư luận và các lực lượng tiến bộ, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho ông vào ngày ngày 2-8-1953. Ông tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp, phản đối chiến tranh thực dân ở Đông Dương, Algeria, phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Hữu nghị Pháp-Việt.
 
Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ông đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam DCCH và Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đến ngày toàn thắng. Trong những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi sát mỗi bước phát triển của Việt Nam, sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong các hoạt động nhân đạo, nhất là việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc màu da cam và xây dựng làng Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với những đóng góp xuất sắc của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển của Việt Nam, ông đã được Nhà nước ta trao tặng Huân chương Hữu nghị nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 
Phát biểu tại lễ gắn biển phố Henri Martin, Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh: Tên tuổi của Henri Martin và Raymonde Dien trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng quốc tế cao cả nhất, hết lòng ủng hộ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chính vào những thời khắc khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã không đơn độc vì có những người bạn Pháp như Henri Martin luôn sát cánh, hết lòng ủng hộ. Các thế hệ người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm và sự hy sinh của các bạn Pháp, những chiến sĩ hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
 
  Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp chụp ảnh lưu niệm cùng Thị trưởng TP Pantin, Bí thư toàn quốc PCF Fabien Roussel và những người bạn Pháp, trong đó có bà Raymonde Dien, Hélenè Luc....
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp chụp ảnh lưu niệm cùng Thị trưởng TP Pantin, Bí thư toàn quốc PCF Fabien Roussel và những người bạn Pháp, trong đó có bà Raymonde Dien, Hélenè Luc....
 
Là một người bạn thủy chung của Việt Nam, Henri Martin đã có những đóng góp quý giá để tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Trong những năm cuối đời, Henri Martin sống ở TP Pantin, vẫn tham gia tích cực nhiều phong trào ủng hộ Việt Nam, nhất là các phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Căn bệnh ung thư quái ác đã vĩnh viễn cướp đi một chiến sĩ cộng sản đi đầu trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ 20.
 
Thị trưởng TP Pantin Bertrand Kern cho rằng, việc gắn biển phố mang tên Henri Martin là sự kiện không chỉ ghi nhận những đóng góp của ông cho hòa bình, giúp thế hệ trẻ ở thành phố này về những tình cảm gắn bó với Việt Nam mà còn góp phần thúc những dự án hợp tác với các địa phương ở Việt Nam. Sự tham gia của đông đảo bạn bè Pháp trong đó có những gương mặt từng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam cho thấy quan hệ hợp tác - hữu nghị giữa hai nước luôn được coi trọng.
 
Tham dự sự kiện vô cùng ý nghĩa với những người bạn Pháp, ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, chia sẻ: Với tôi, ông Henri Martin là hình ảnh của chủ nghĩa quốc tế vô sản của những người cộng sản với nhau. Sau thời gian dài đấu tranh từ những năm 50, người Pháp vẫn còn nhớ những đóng góp của Henri Martin, thể hiện tinh thần của thanh niên đấu tranh vì hòa bình, vì tiến bộ xã hội và độc lập chủ quyền của của mỗi nước. Đối với phong trào Việt hiều và đặc biệt đối với cá nhân tôi vẫn còn nhớ mãi những hình ảnh ủng hộ tinh thần đấu tranh của Henri Martin vì Việt Nam, đó là các khẩu hiệu "trả tự do cho Henri Martin" trên khắp phố, trong bến tàu. Tên Henri Martin là hình ảnh thể hiện cuộc đấu tranh và tinh thần vô sản, tinh thần quốc tế và đặc biệt phải nói rằng đối với Việt Nam trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, Henri Martin là một trong những người đi đầu cùng với các tổ chức để đòi độc lập, hòa bình, giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
 
Sau lễ gắn biển phố mang tên Henri Martin, diễn ra buổi chiếu phim tài liệu do nhà sử học Alain Ruscio thực hiện gồm các cuộc phỏng vấn với Henri Martin. Những hình ảnh và ý kiến chia sẻ tại cuộc tọa đàm đều đề cao tinh thần đấu tranh vì hòa bình, công lý của Henri Martin, qua đó thôi thúc rất nhiều người Pháp và bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình dành những tình cảm sâu sắc và hết lòng giúp sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Những người bạn Pháp và nhân dân Việt Nam sẽ nhớ mãi hình ảnh của Henri Martin trong phim tài liệu, khi trẻ và khi có tuổi, vẫn rực cháy ngọn lửa đấu tranh vì Việt Nam như ông từng nói: “Cả cuộc đời tôi đã dành cho Việt Nam”.
 
(Theo nhandan.com.vn)