Sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD sẽ được gửi lại cho Hạ viện thông qua lần cuối trước khi được gửi tới Tổng thống ký ban hành.
Sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD sẽ được gửi lại cho Hạ viện thông qua lần cuối trước khi được gửi tới Tổng thống ký ban hành.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ |
Ngày 6/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ liên quan tới đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất, sau khi trải qua một cuộc tranh luận, đàm phán và đề xuất sửa đổi kéo dài cả ngày nhằm thông qua một trong những dự luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của đảng Dân chủ cho biết: "Một ngày dài, một đêm dài, một năm dài nhưng ngày mới đã tới và chúng tôi sẽ nói với người dân Mỹ rằng trợ giúp đang trên đường tới. Dự luật sẽ mang tới nhiều hỗ trợ cho người dân hơn bất cứ chính phủ liên bang nào từng làm trong các thập niên vừa qua."
Với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, dự luật sẽ được gửi lại cho Hạ viện thông qua lần cuối trước khi được gửi tới Tổng thống ký ban hành.
Trước đó, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất trong một thế kỷ - đại dịch COVID-19 - đã khiến hơn 521.000 người dân Mỹ tử vong, khiến hàng triệu người mất việc làm và ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.
Các biện pháp này được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ.
(Theo TTXVN)