Ủy ban các khu vực châu Âu (CoR) hôm 8/5 đã kêu gọi EU tạm thời đình chỉ các bằng sáng chế vaccine Covid-19 nhằm tạo điều kiện tăng khả năng sản xuất vaccine và thúc đẩy tốc độ chiến dịch tiêm chủng. Trong khi đó, AU hoan nghênh Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vaccine.
Ủy ban các khu vực châu Âu (CoR) hôm 8/5 đã kêu gọi EU tạm thời đình chỉ các bằng sáng chế vaccine Covid-19 nhằm tạo điều kiện tăng khả năng sản xuất vaccine và thúc đẩy tốc độ chiến dịch tiêm chủng. Trong khi đó, AU hoan nghênh Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vaccine.
Ủy ban các khu vực châu Âu trở thành tổ chức quốc tế đầu tiên kêu gọi tạm ngừng cấp bằng sáng chế vaccine Covid-19. Theo Ủy ban này, sự gia tăng đột biến về số ca mắc mới gần đây ở các lục địa không thuộc châu Âu là một hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải ngừng hoạt động sở hữu trí tuệ để tối đa hóa việc sản xuất vaccine và đảm bảo quyền tiếp cận các sản phẩm càng sớm càng tốt.
Theo người đứng đầu Ủy ban các khu vực châu Âu Apostolos Tzitzikostas, chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người và đại dịch là mối đe dọa chưa từng có đối với sức khỏe toàn cầu. Trong bối cảnh đó, sẽ không có chỗ cho chủ nghĩa dân tộc về vaccine.
Ông Tzitzikostas cho rằng các quốc gia thành viên EU phải tránh cạnh tranh về vaccine. Bởi nó sẽ tạo ra sự phân cấp và làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, khu vực và vùng miền. Do đó, EU phải tiếp tục nêu gương bằng cách bảo vệ tất cả công dân của mình, không bỏ lại phía sau bất kỳ khu vực, thành phố hoặc đô thị nào.
Ông Tzitzikostas cũng lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và để chấm dứt tình trạng này cần phải có hàng tỷ liều vaccine mỗi năm. Đó là lý do tại sao EU phải đảm bảo rằng các công ty dược phẩm lớn sẽ đáp ứng thời hạn giao hàng và việc sản xuất phải được đẩy mạnh.
Trước đó vào hôm thứ Tư, Mỹ thông báo rằng nước này sẽ bắt đầu đàm phán với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để nới lỏng các quy định về bằng sáng chế vốn mang lại lợi ích nhiều nhất cho các hãng dược phẩm lớn.
Trong một động thái ủng hộ, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tuyên bố EU sẵn sàng thảo luận về bất kỳ đề xuất giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden bãi bỏ bản quyền vaccine phòng Covid-19.
Ngày 5/5, tổng thống Mỹ Biden đã ủng hộ lời kêu gọi miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine, một động thái đi ngược lại quan điểm bấy lâu nay của Mỹ và khiến các công ty dược giận dữ. Tháng 10 năm ngoái, Nam Phi cùng với Ấn Độ đã kêu gọi bãi bỏ bản quyền vaccine tại Tổ chức Thương mại Thế giới và đã tập hợp được sự ủng hộ của rất nhiều nước đang phát triển vốn xem đây là bước đi cần thiết để sản xuất vaccine rộng rãi hơn.
Phát biểu tại Quốc hội, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nhấn mạnh: “Là 1 quốc gia, chúng tôi muốn sản xuất vaccine trong nội địa để chống đại dịch cũng như các đợt dịch trong tương lai. Đó cũng là lý do Nam Phi và Ấn Độ đề xuất bãi bỏ bản quyền vaccine tại Tổ chức Thương mại thế giới, để tạo điều kiện cho sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại các nước đang phát triển”
Liên minh châu Phi (AU) cũng hoan nghênh động thái của Mỹ nhưng khuyến cáo cần kiên nhẫn để biến chủ trương thành hiện thực. Châu Phi, nơi có 1,3 tỷ dân và hệ thống y tế yếu kém đang phải vật lộn để tiêm cho người dân. Tính đến ngày 4/5, các nước châu Phi mới sở hữu 37,6 triệu liều vaccine, trong đó hơn 20 triệu liều đã sử dụng, đạt tỷ lệ số dân được têm phòng là 1,14%.
(Theo Vov.vn)