Nhà khoa học Tom Mortlock cho rằng sóng lớn cùng nước biển dâng đang đẩy các quốc đảo Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp, trong đó có Tuvalu và Kiribati, rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn nữa.
Nhà khoa học Tom Mortlock cho rằng sóng lớn cùng nước biển dâng đang đẩy các quốc đảo Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp, trong đó có Tuvalu và Kiribati, rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn nữa.
Ảnh minh họa. |
Sóng biển ở Nam bán cầu đang ngày một mạnh hơn, dữ dội hơn, làm xói mòn thêm bờ biển của Australia. Đây là cảnh báo được một nhóm các nhà hải dương học quốc tế đưa ra ngày 15/6.
Tiến sỹ Tom Mortlock, một nhà khoa học môi trường thuộc Đại học Macquarie của Australia, cho biết nhóm nghiên cứu đã lập biểu đồ của những con sóng mạnh hơn và nhận thấy các bờ biển của Nam Australia, Tây Australia, cùng các quần đảo Thái Bình Dương và Caribe đang phải hứng chịu những đợt sóng dữ dội hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ông cho rằng sóng lớn cùng nước biển dâng đang đẩy các quốc đảo Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp, trong đó có Tuvalu và Kiribati, rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn nữa.
Tiến sỹ Mortlock nêu rõ nước biển dâng là vấn đề môi trường dài hạn, trong khi tác động của những con sóng mạnh hơn là vấn đề bức thiết.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt tích tụ ở hành tinh.
Điều này gây ra một loạt tác động, trong đó có các đợt nắng nóng trên biển kéo dài hơn và thường xuyên hơn, tẩy trắng san hô như rạn san hô Great Barrier, cung cấp nguồn năng lượng khiến các cơn bão mạnh hơn.
Trong 35 năm qua, năng lượng sóng toàn cầu đã gia tăng, đặc biệt là ở Nam bán cầu. Các nhà nghiên cứu cảnh báo ngay cả những thay đổi nhỏ, liên tục trong sóng cũng có thể để lại hệ quả lâu dài đối với hệ sinh thái ven biển cũng như cuộc sống của những người sống dựa vào biển cả.
Chẳng hạn, rừng ngập mặn và đầm lầy mặn dễ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng năng lượng sóng khi kết hợp với nước biển dâng. Các hệ sinh thái mong manh này thường cung cấp vùng đệm để chống lại sự tấn công của sóng cho các vùng đất thấp ven biển.
Do đó, nếu không có các hệ sinh thái rìa này, các cộng đồng ven biển phía sau chúng sẽ tiếp xúc với nhiều năng lượng sóng hơn và khả năng bị xói mòn cao hơn.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng nếu tình trạng ấm lên trên Trái Đất vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện nay trong thế kỷ tới, sẽ có nhiều thay đổi lớn của sóng biển dọc các bờ biển của thế giới.
Tuy nhiên, nếu tình trạng ấm lên của Trái Đất được duy trì như mức được nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các mô hình sóng vẫn có thể duy trì trong phạm vi giới hạn.
(Theo vietnam+)