Từ tháng 6/2021, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia đã triển khai chương trình cứu trợ tiền mặt với 11 triệu USD cho hơn 275.000 lao động thuộc 513 nhà máy bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa.
Từ tháng 6/2021, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia đã triển khai chương trình cứu trợ tiền mặt với 11 triệu USD cho hơn 275.000 lao động thuộc 513 nhà máy bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa.
|
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/7/2021 |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Campuchia Chhay Than cho biết, hơn 6 triệu lao động trong nền kinh tế phi chính thức Campuchia đã mất việc làm hoặc sắp mất việc do tác động của đại dịch COVID-19, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Campuchia nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng này.
Báo Phnom Penh Post ngày 22/7 dẫn lời Bộ trưởng Chhay Than công bố con số này tại cuộc họp nhân ngày Dân số Thế giới, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao các Bộ Phụ nữ, Y tế và Giáo dục Campuchia, cùng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Campuchia.
Ông Chhay Than cho rằng đại dịch đã tàn phá ngành du lịch, sản xuất phục vụ xuất khẩu và xây dựng của Campuchia.
Đây là những khu vực đóng góp hơn 70% giá trị vào tăng trưởng của kinh tế Campuchia và chiếm gần 40% lực lượng lao động.
Quan chức đứng đầu Bộ Kế hoạch Campuchia nhấn mạnh: “Do các đợt bùng phát và lây lan của của đại dịch COVID-19, gần 3.000 doanh nghiệp trong khu vực du lịch Campuchia đã phải ngừng hoạt động, dẫn tới 45.000 người mất công ăn việc làm. Đối với lao động trong khu vực phi chính thức, ước tính tới 6,1 triệu người cũng mất việc làm.”
Kể từ sau khi lệnh phong tỏa và giới nghiêm chống dịch COVID-19 có hiệu lực hồi cuối tháng 4/2021 tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao giáp ranh, đại dịch COVID-19 đã gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế, kinh tế-xã hội và sinh kế người dân Campuchia.
Khoảng 70.000 người Campuchia đã mắc COVID-19 và hơn 1.000 người tử vong.
Giám đốc Hiệp hội Lao động Kinh tế phi chính thức Campuchia (CIEWA), ông Sok Chhun Oeung cho biết một số lượng lớn lao động khu vực này đã mất việc làm và cố gắng tìm công việc khác để có thu nhập.
Ông Sok Chhun Oeung nêu rõ: “Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức phải đối mặt với vô vàn khó khăn, mất việc và mất thu nhập. Họ còn phải trả nợ ngân hàng và rất vất vả để nuôi sống gia đình.”
Từ tháng 6/2021, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia đã triển khai chương trình cứu trợ tiền mặt với 11 triệu USD cho hơn 275.000 lao động thuộc 513 nhà máy bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa Phnom Penh, Takhmao và thành phố Sihanoukville.
Vào giữa tháng 7/2021, Bộ Lao động Campuchia tiếp tục triển khai gói cứu trợ này cho hơn 3.000 công nhân trong khu vực dệt may và lao động trong ngành du lịch bị tác động bởi đại dịch.
Phát biểu hồi đầu tháng này, Quốc vụ khanh Bộ các vấn đề xã hội Campuchia Samheng Boros cho biết tổng cộng Chính phủ Campuchia đã chi ra 300 triệu USD hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo tại Campuchia trong thời kỳ đại dịch.
(Theo TTXVN)