Những chiến thuật của Trung Quốc làm suy yếu phán quyết PCA

07:07, 27/07/2021

Sau 5 năm kể từ khi PCA ra phán quyết, những hành vi, thái độ hung hăng và động thái bành trướng chiến lược trên diện rộng chiếm quyền kiểm soát các vùng biển của Trung Quốc không hề suy giảm.

Sau 5 năm kể từ khi PCA ra phán quyết, những hành vi, thái độ hung hăng và động thái bành trướng chiến lược trên diện rộng chiếm quyền kiểm soát các vùng biển của Trung Quốc không hề suy giảm.
 
Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
 
Đã 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Nhưng tình hình trên vùng biển mang tính chiến lược này giờ đây đã trở nên tồi tệ và sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế đã mở đường cho Trung Quốc thực hiện quyền tài phán trên biển. Theo tiến sỹ Pankaj Jha (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh, Đại học toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ), Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật nhằm làm suy yếu phán quyết nói trên.
 
Báo Lâm Đồng xin giới thiệu bài viết này, được đăng trên trang mạng Modern Policy.
 
Các cơ quan quốc tế như Liên hợp quốc, các cường quốc toàn cầu và các đối tác đối thoại ASEAN đã không thể đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán và xây dựng các quy trình ứng xử theo tiêu chuẩn.
 
Nhiều thay đổi đã diễn ra ở Biển Đông với việc Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát chiến lược và tiếp cận các vùng biển này. Phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra vào ngày 12/7/2016 đã phân xử rõ ràng về quyền lợi trên biển của các nước và khi Tòa trọng tài xem xét tính hợp pháp đối với các hành động của Trung Quốc, Tòa trọng tài đã tuyên bố rằng họ không có bất kỳ thẩm quyền nào để xét xử vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ các đảo.
 
Trung Quốc đã phản đối phán quyết này ngay cả trước khi nó được đưa ra. Trong tuyên bố lập trường được đưa ra hồi tháng 12 năm 2014, Trung Quốc đã thể hiện sự hoài nghi rõ ràng về thẩm quyền phán quyết của Tòa án với các vùng biển.
 
Khi đánh giá về tính chất của vụ kiện, Tòa thường trực đã tuyên bố rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mâu thuẫn với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh hải tại các vùng biển đang có tranh chấp gay gắt.
 
Tòa trọng tài cũng đặt ra nghi vấn về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc với quyền kiểm soát kinh tế độc quyền tại vùng biển và đối với tài nguyên biển tại đây.
 
Khía cạnh đáng chú ý nhất của phán quyết là không có thực thể (được Trung Quốc bồi đắp) nào nằm trên mặt nước khi thủy triều lên được hưởng quyền lợi đối với lãnh hải 12 hải lý, và Tòa thường trực chỉ trích Trung Quốc khi có hành động cải tạo và xây dựng các đảo.
 
Tòa thường trực cũng nêu ra vấn đề về sự cư trú của con người trên đảo và khả năng các hòn đảo này có thể tự duy trì sự sống của con người.
 
Tòa thường trực đã tuyên bố rằng việc sinh sống nhất thời trên đảo không thể được coi là việc định cư của cộng đồng trong lịch sử. Tòa chỉ trích Trung Quốc vì hành vi đơn phương xâm phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này.
 
Giới quan sát nhận thấy rằng những hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã gây tổn hại đến môi trường biển và đe dọa các loài san hô, rùa biển và trai khổng lồ trong khu vực xung quanh các đảo nhân tạo.
 
Điều thú vị là đã sau 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài ra phán quyết, những hành vi, thái độ hung hăng và động thái bành trướng chiến lược trên diện rộng chiếm quyền kiểm soát các vùng biển của Trung Quốc không hề có dấu hiệu suy giảm.
 
Trung Quốc hiện đã triển khai lực lượng dân quân biển và tàu Cảnh sát biển cùng với các tàu khảo sát thủy văn tại các khu vực như bãi Tư Chính, đá Ba Đầu, bãi Cỏ Rong và tới tận quần đảo Natuna của Indonesia.
 
Cạnh trạnh tại vùng biển chiến lược này đã làm gián đoạn hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của các nước ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này và thậm chí gây cản trở hoạt động của ngư dân trong các vùng đánh cá truyền thống ở Biển Đông.
 
Vì khu vực này là ngư trường lớn thứ ba trên thế giới và có nhiều loài cá hiếm cũng như là một trong những nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào nhất nên nhiều khả năng căng thẳng có thể sẽ còn leo thang trong tương lai gần.
 
Thực tế là sau phán quyết của Tòa trọng tài, đã có những tuyên bố và chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc vì những lý do trên nhưng việc các bên tham gia chính trong vụ kiện không có phản ứng quân sự hay không thực thi hiệu quả phán quyết của Tòa trọng tài đã tiếp tay cho Trung Quốc tiếp tục cải tạo các đảo và phá hoại sinh vật biển trong hệ sinh thái dễ bị bị tổn thương tại đây.
 
Vào thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, những căng thẳng vẫn tiếp diễn tại biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, trên quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc thường xuyên xâm phạm không phận qua eo biển Đài Loan và tàu ngầm Trung Quốc tiếp tục hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương, tất cả cho thấy căng thẳng quân sự đang gia tăng ở ngoài biên giới của Trung Quốc.
 
Mặc dù đã có nhiều cuộc tập trận do Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tiến hành trong các khu vực này cũng như những cuộc tuần tra trên biển do một số quốc gia tiến hành, nhưng kết quả đạt được là không nhiều.
 
Các cuộc đàm phán liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông cũng bị Trung Quốc đặt trong tình trạng lấp lửng với lý do muốn tiến hành đàm phán song phương với các bên liên quan, đặc biệt là các bên tranh chấp các đảo trên Biển Đông.
 
Đây được coi là chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc nhằm làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ven biển và thể hiện sức mạnh của mình trong khu vực.
 
Năm 2021 đã chứng kiến việc Trung Quốc triển khai của lực lượng dân quân biển ở đá Ba Đầu và năm 2020 tiến hành các cuộc tấn công bằng laser vào máy bay giám sát của Mỹ.
 
Những hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhưng sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này đã cho thấy một điều rằng Trung Quốc đang dần áp đặt cuộc chơi trong việc định hình trật tự hàng hải ở Biển Đông.
 
Thái độ thiếu cam kết của Mỹ cũng khiến Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Philippines và Mỹ trở nên căng thẳng đến mức Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí đã đe dọa rút khỏi VFA.
 
Mặc dù thỏa thuận các lực lượng thăm viếng không bị hủy bỏ nhưng có thể điều này chỉ là vấn đề thời gian khi Hoa Kỳ dần mất đi sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á.
 
Có thể thấy ngay cả đối với vấn đề thềm lục địa mở rộng của Malaysia, Việt Nam và Philippines khi được nêu ra tại Liên Hợp Quốc, không có nhiều động thái chống lại các hành vi vi phạm của Trung Quốc.
 
Năm năm qua đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống quốc tế và cũng ra đặt câu hỏi về vai trò của ASEAN trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác nhằm nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử và xác định các quy tắc ứng xử tiêu chuẩn tại khu vực này.
 
Qua thời gian, giới quan sát nhận thấy rằng không có một chiến lược cụ thể nào có thể được các nước ASEAN và các đối tác đối thoại áp dụng nhằm bảo vệ lợi ích của các quốc gia liên quan cũng như giúp đưa ra một lập trường thống nhất rõ ràng đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Năm năm qua chứng kiến việc thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài không đạt được như kỳ vọng của cộng đồng ASEAN trong khi Trung Quốc, thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang thể hiện sự cứng rắn trong việc xác định các quy tắc can dự và trật tự trên biển.
 
Cũng cần thừa nhận rằng hành động quân sự không thể là giải pháp cho cuộc “khủng hoảng” tại Biển Đông nhưng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các nước cần có những biện pháp hiệu quả hơn nữa nhằm kiềm tỏa Trung Quốc, từ đó có thể đạt được những kết quả thiết thực và có thể chấp nhận được.
 
(Theo Vietnam+)