Chuyên gia cảnh báo biến thể mới khiến cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài thêm 1 năm

04:08, 16/08/2021

Biến thể mới xuất hiện có khả năng kháng vaccine là một "nguy cơ rất có thể xảy ra" và có thể khiến cuộc chiến chống dịch lùi lại một năm hoặc lâu hơn nữa, theo nhóm cố vấn của Chính phủ Anh.

Biến thể mới xuất hiện có khả năng kháng vaccine là một “nguy cơ rất có thể xảy ra” và có thể khiến cuộc chiến chống dịch lùi lại một năm hoặc lâu hơn nữa, theo nhóm cố vấn của Chính phủ Anh.
 
Hình ảnh hiển thị ba chiều của biến thể Delta
Hình ảnh hiển thị ba chiều của biến thể Delta
 
Theo trang The Guardian (Anh), nhóm Cố vấn Khoa học của Chính phủ về Các trường hợp Khẩn cấp (SAGE) đang nỗ lực ủng hộ công việc tiếp tục nghiên cứu các loại vaccine mới có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lây lan virus SARS-CoV-2 hơn các loại vaccine hiện tại. Đồng thời, các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ nên đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu để dự đoán sự tiến hóa của các biến thể virus có thể xuất hiện trong tương lai.
 
Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể virus mới được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm có thể làm trầm trọng cuộc khủng hoảng y tế một lần nữa. Giáo sư Graham Medley, thành viên của SAGE, lãnh đạo nhóm mô hình COVID-19 của Chính phủ Anh, nhận định biến thể mới “rõ ràng là điều mà các nhà lập kế hoạch và nhà khoa học nên nghiêm túc xem xét vì nó sẽ khiến cuộc chiến chống dịch của chúng ta lùi lại một chặng đường dài”.
 
Trước nguy cơ này, nhóm cố vấn đã kêu gọi Chính phủ Anh đưa ra kế hoạch dự phòng để đối phó với biến thể COVID-19 trong tương lai.
 
“Lợi thế là chúng ta biết mình có thể tương đối nhanh chóng chế tạo vaccine chống lại biến thể virus. Nhưng điều bất lợi là chúng ta sẽ phải quay trở lại tình trạng một năm trước, tùy thuộc mức độ miễn dịch hiện tại trước biến thể mới”, ông Medley nói.
 
Tiến sĩ Marc Baguelin, chuyên gia của nhóm phản ứng COVID-19 tại Đại học Imperial, thành viên của nhóm lập mô hình SPI-M của chính phủ, cho biết việc ngăn chặn các biến thể virus mới xâm nhập là một mối lo ngại khi “đặc tính thoát miễn dịch từ trung bình đến cao sẽ là rủi ro lớn, điều này có thể dẫn đến các làn sóng dịch bệnh trong tương lai với mức độ lây lan rộng lớn hơn các làn sóng dịch mà chúng ta đã trải qua cho đến nay ”.
 
Tuy nhiên, ông cho rằng biến thể virus mới sẽ ít có khả năng hoàn toàn qua mặt phản ứng miễn dịch
sinh ra ở người đã tiêm vaccine hoặc từng khỏi bệnh. 
 
“Không có khả năng một loại virus mới né tránh hoàn toàn được tất cả khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây truyền hay vaccine” ông nói. “Vaccine ít nhất có khả năng miễn dịch đối với những ca mắc bệnh nghiêm trọng như tử vong hoặc nhập viện. Chúng ta cũng có khả năng cải tiến vaccine hiện tại để đối phó các biến chủng mới. Nhưng làm vậy sẽ mất nhiều tháng và chúng ta có thể sẽ phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nếu có nguy cơ sức khoẻ cộng đồng lớn”, ông nói.
 
Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm nước Anh đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 9/8. Theo đó, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 không phải tự cách ly sau khi tiếp xúc gần ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
 
Các trường hợp COVID-19 hàng ngày ở Anh dao động quanh mốc 30.000 ca. Ngày 14/8, nước này ghi nhận thêm 29.520 ca nhiễm mới và 93 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 6,2 triệu trường hợp và vượt ngưỡng 130.000 ca tử vong.
 
Anh là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trên thế giới. Song tỉ lệ tiêm chủng ở người trẻ tuổi của nước này vẫn còn thấp do nhóm người này còn do dự về vaccine. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết tất cả thanh thiếu niên 16 - 17 tuổi ở nước này sẽ được tiêm liều vaccine đầu tiên trong tuần tới để bảo vệ họ trước khi các trường học trở lại vào tháng 9 tới.
 
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid kêu gọi các thanh thiếu niên không nên trì hoãn tiêm chủng. Ông nói: “Hãy tiêm chủng càng sớm càng tốt để chúng ta có thể tiếp tục chung sống an toàn với đại dịch  và tận hưởng các quyền tự do của mình bằng cách mang lại sự bảo vệ cần thiết cho bản thân, gia đình và cộng đồng”.
 
(Theo Baotintuc.vn)