Italy và Anh tiêm chủng mũi thứ 3 cho những người dễ bị tổn thương

06:09, 15/09/2021

Nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại Italy như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng sẽ được tiêm bổ sung từ 20/9, trong khi Anh cũng sẽ tiêm mũi 3 cho người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi.

Nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại Italy như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng sẽ được tiêm bổ sung từ 20/9, trong khi Anh cũng sẽ tiêm mũi 3 cho người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, thông tin trên được công bố đêm 13/9 sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy Francesco Paolo Figliuolo.
 
Đợt thứ ba của chiến dịch tiêm vaccine ở Italy sẽ tập trung vào khoảng 3 triệu người có hệ miễn dịch yếu nhất. Trước đó, Bộ trưởng Speranza đã nói rằng các cơ quan y tế quyết định tiêm liều tăng cường cho những người trên 80 tuổi và trong các viện dưỡng lão. 
 
Đến nay, hơn 40 triệu người Italy đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương với 74% dân số trên 12 tuổi, trong bối cảnh chính phủ gần đạt mục tiêu 80% vào cuối tháng 9.
 
Tại Anh, ngày 14/9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết chính phủ nước này đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi cần được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường (liều thứ 3).
 
Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Javid nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều bổ sung là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine qua mùa Đông tới. Theo ông, cũng giống như nhiều loại vaccine khác, hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa COVID-19 cũng giảm theo thời gian, nhất là ở nhóm người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
 
Do đó, việc triển khai tiêm liều tăng cường là biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian dài. 
 
Ngoài ra, Bộ trưởng Javid cũng cho biết Anh rất có thể sẽ yêu cầu nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội tại vùng England phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm bảo vệ những người xung quanh họ.
 
Theo ông, chính phủ đã tiến hành một cuộc tham vấn về việc bảo vệ những bệnh nhân dễ bị tổn thương bằng cách yêu cầu tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm và ngừa COVID-19 là một điều kiện để triển khai nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội ở England. 
 
Trong trường hợp dịch vụ y tế không đáp ứng được tình hình dịch bệnh, chính phủ đã có kế hoạch dự phòng (Kế hoạch B). Theo đó, chính phủ sẽ ban hành quy định áp dụng giấy chứng chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là điều kiện bắt buộc trong một số trường hợp, bắt buộc đeo khẩu trang trong một số môi trường nhất định, đồng thời xem xét yêu cầu người dân trở lại hình thức làm việc tại nhà.  
 
Theo giới chức Anh, số liệu mới nhất cho thấy kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, vaccine đã giúp 24 triệu người không bị mắc bệnh và ngăn chặn hơn 112.000 ca tử vong. Nhà chức trách Anh cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiêm vaccine khi mà Thủ tướng Boris Johnson cùng các quan chức khác cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhất là khi mùa Đông sắp đến. 
 
Đến nay, Anh đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 134.000 ca tử vong do COVID-19. Khoảng 44 triệu người tại nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine, chiếm 81% tổng số người từ 16 tuổi trở lên. Ngày 13/9, Chính phủ Anh cho biết trẻ em ở độ tuổi từ 12-15 cũng sẽ được tiêm chủng.
 
(Theo TTXVN)