Cùng với vaccine Sputnik V, Bộ Y tế Campuchia cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp 4 loại vaccine khác do Nga sản xuất là CoviVac, Sputnik-Light, IMB SRC Vector và EpiVacCorona.
Cùng với vaccine Sputnik V, Bộ Y tế Campuchia cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp 4 loại vaccine khác do Nga sản xuất là CoviVac, Sputnik-Light, IMB SRC Vector và EpiVacCorona.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhà sư tại Phnom Penh, Campuchia |
Tại Phnom Penh, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng ngày 29/10 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp 4 loại vaccine khác cũng do Nga sản xuất là CoviVac của Trung tâm Chumakov, Sputnik-Light của Viện Gamaleya, EpiVacCorona của Viện Nghiên cứu khoa học về sinh học phân tử (hay còn gọi là vaccine IMB SRC Vector) và EpiVacCorona của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về virus và công nghệ sinh học.
Tháng 2/2021, Campuchia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp các vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) và vaccine của hãng AstraZeneca do Đại học Oxford của Anh phát triển.
Tính đến ngày 29/10, 85,64% dân số Campuchia đã được tiêm phòng ngừa COVID-19.
Ngày 30/10, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục ở mức thấp với 106 ca, trong đó có 16 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo có thêm 8 ca tử vong, trong đó có 5 ca chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong bối cảnh Campuchia bước vào giai đoạn “bình thường mới” từ gần một tháng nay, Chính phủ nước này tiếp tục triển khai các biện pháp thêm ba tháng, từ tháng 10 đến tháng 12, nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra và hỗ trợ kinh doanh phục hồi.
Theo thông báo chính thức ngày 28/10, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lương cho lao động trong các lĩnh vực chịu thiệt hại do dịch COVID-19, giảm thuế cho các khách sạn, nhà khách, các hãng lữ hành ở Phnom Penh, Siem Reap, Preah Sihanouk, Kep, Kampot và ở các thành phố nhỏ Bavet, Poipet.
(Theo TTXVN)