Ðại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và đời sống của mọi người dân, trong đó, bất bình đẳng giới là một "mảng tối" của đại dịch. ..
Ðại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và đời sống của mọi người dân, trong đó, bất bình đẳng giới là một "mảng tối" của đại dịch. Thúc đẩy sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia để chung tay xây dựng một xã hội phát triển bền vững, công bằng và tiến bộ, nơi không còn tồn tại những rào cản về giới.
|
Phụ nữ ở Liberia tham gia một khóa học về phát triển sinh kế |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, Canada đã ghi nhận 92 phụ nữ và trẻ em gái thiệt mạng trong các vụ bạo lực gia đình, cao hơn so với con số 78 người trong nửa đầu năm 2020 và 60 người cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tại Italia, mỗi ngày, quốc gia châu Âu này ghi nhận 89 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới, trong đó, 62% số trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình. Thậm chí, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 37% số phụ nữ sống ở các quốc gia nghèo nhất thế giới đã phải đối mặt với hành vi bạo lực từ chính chồng hoặc bạn trai của mình. Những số liệu nêu trên đã cho thấy sự gia tăng tình trạng bạo lực giới đáng báo động tại nhiều châu lục.
Nạn bạo hành phụ nữ vốn đã tồn tại từ lâu ở không ít quốc gia, để lại những vết thương khó lành cho các nạn nhân, song chính đại dịch Covid-19 là một tác nhân khiến vấn đề này càng trở nên trầm trọng. Theo Giáo sư Dawson (Ðo-xơn), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về tác động xã hội và sức khỏe của tình trạng bạo hành gia đình tại Ðại học Guelph của Canada, chính các biện pháp phong tỏa và sự hạn chế trong tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội trong thời gian diễn ra dịch bệnh đã khiến nạn bạo lực gia đình trở nên nghiêm trọng hơn. Ðại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhấn mạnh, nạn bạo lực phụ nữ là một cuộc khủng hoảng toàn cầu nảy sinh mạnh mẽ trong các cuộc khủng hoảng khác.
Ðể bảo vệ những phụ nữ đang "mắc kẹt" trong chính ngôi nhà của mình, các tổ chức quốc tế cùng các chính phủ đã triển khai nhiều sáng kiến, góp phần ngăn chặn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Tại Italia, Bộ Nội vụ nước này đang phối hợp các bộ liên quan để sớm thông qua gói quy tắc mới nhằm thay đổi hình phạt pháp lý theo hướng cứng rắn hơn đối với các trường hợp bạo hành phụ nữ. Còn tại Canada, kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Chính phủ đã chi 300 triệu USD để xây dựng các trại tạm trú, phát triển các trung tâm giúp đỡ nạn nhân của tình trạng bạo lực giới. Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động chương trình mang tên Sáng kiến Spotlight với ngân sách ban đầu trị giá 500 triệu euro, hướng tới mục tiêu góp phần xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Các nước cũng chú trọng việc giáo dục trong xã hội, nhất là với giới trẻ, để xóa bỏ tư duy phân biệt giới, một trong những nguyên nhân gốc rễ gây nên tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực phụ nữ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) từng nhấn mạnh rằng, không như đại dịch Covid-19, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ không thể bị ngăn chặn bởi vắc-xin. Cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng giới và nạn bạo lực phụ nữ đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ và toàn diện của các chính phủ cùng toàn thể cộng đồng để đẩy mạnh bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, mang đến sự phát triển thật sự bền vững cho toàn cầu.
(Theo nhandan.com.vn)