Đàm phán an ninh giữa Nga với Mỹ và NATO sẽ diễn ra trong tháng 1/2022

05:12, 23/12/2021

Trả lời hãng tin RT của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: "Các bên đã nhất trí rằng vòng đàm phán đầu tiên sẽ là tiếp xúc song phương giữa các nhà đàm phán Nga và Mỹ vào đầu năm tới."

Trả lời hãng tin RT của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Các bên đã nhất trí rằng vòng đàm phán đầu tiên sẽ là tiếp xúc song phương giữa các nhà đàm phán Nga và Mỹ vào đầu năm tới.”
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/12 thông báo Nga sẽ tham gia các cuộc đàm phán an ninh với Mỹ từ đầu năm 2022.
 
Trả lời hãng tin RT của Nga, ông Lavrov cho biết: “Các bên đã nhất trí rằng vòng đàm phán đầu tiên sẽ là tiếp xúc song phương giữa các nhà đàm phán Nga và Mỹ vào đầu năm tới.”
 
Ông Lavrov cho biết các trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí cùng nghiên cứu tài liệu về đề xuất đảm bảo an ninh mà Moskva gửi cho Washington.
 
Theo ông Lavrov, Moskva cũng muốn thảo luận một văn bản thứ hai mà họ đã gửi, một dự thảo thỏa thuận giữa Nga với các nước thành viên và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau cuộc gặp với phía Mỹ và dự kiến cũng trong tháng 1 tới.
 
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cảnh báo Mỹ không nên kéo dài đàm phán, đồng thời tái khẳng định dù không muốn xung đột, nhưng Moskva đã chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo nhằm tự bảo vệ mình.
 
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đang cân nhắc tấn công Ukraine vào đầu tháng 1/2022 khi triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến gần biên giới với Ukraine.
 
Tuy nhiên, Moskva bác bỏ cáo buộc này. Trong một phát biểu ngày 21/12, Tổng thống Putin khẳng định việc Washington hỗ trợ quân sự cho Ukraine là không thể chấp nhận được và sẽ buộc phải phản ứng cứng rắn nếu phương Tây không từ bỏ “thái độ hiếu chiến” của mình.
 
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Moskva muốn các đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó một số loại vũ khí tấn công sẽ không được phép triển khai tại các nước láng giềng với Nga, và NATO phải ngừng mở rộng sang phía Đông.
 
Trong phản ứng của mình, NATO cùng ngày cũng bày tỏ mong muốn tiến hành các cuộc thảo luận hữu ích với Moskva vào đầu năm tới để giải quyết các căng thẳng hiện nay.
 
Hội đồng NATO-Nga (NRC) đã được lập ra năm 2002 nhằm tạo điều kiện tham vấn giữa liên minh quân sự này với Moskva, nhưng quan hệ hai bên đã xấu đi và lần gần đây nhất NRC nhóm họp là tháng 7/2019.
 
Trước đó, ngày 21/12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Trung Á Karen Donfried cũng chia sẻ tại họp báo về khả năng các cuộc đàm phán với Nga sẽ bắt đầu từ tháng 1/2022, đồng thời cảnh báo rằng một số đề xuất của Nga là “không thể chấp nhận được.”
 
Trong phản ứng mới nhất ngày 22/12, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận định phương Tây cần trở lại bàn đàm phán với Nga, dù cơ sở đàm phán của Nga và phương Tây còn nhiều khác biệt.
 
Phát biểu tại họp báo ở Berlin, bà Baerbock cho rằng đối thoại với Nga là cần thiết, dù trong khuôn khổ định dạng Normandy cùng với Pháp và Ukraine, hay trong khuông khổ NRC.
 
Thủ tướng Bulgaria, Kiril Petkov, cùng ngày cho biết nước này sẽ không thảo luận hay đưa ra bất cứ quyết định gì về khả năng triển khai thêm binh sĩ của NATO tới quốc gia bên bờ Biển Đen này để đáp lại việc Nga triển khai quân đội gần biên giới với Ukraine.
 
Phát biểu với báo giới, ông Petkov khẳng định: “Chủ đề đó sẽ không được thảo luận trong chính phủ cũng như với bất kỳ đối tác nào ở NATO.”
 
Ông cũng nói thêm rằng ông ưu tiên hơn cho các giải pháp ngoại giao và hòa bình, bớt nói về an ninh ở sườn Đông của EU và NATO.
 
Thủ tướng Petkov cũng khẳng định Bulgaria là thành viên tích cực của EU cũng như NATO, và việc đưa ra quyết định về những vấn đề như trên phải có sự phối hợp với các nước khác.
 
Tuyên bố của ông Petkov được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của ông viết trên mạng xã hội Facebook rằng Bulgaria không thấy cần thiết phải tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại nước này và “một cuộc tranh cãi như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
 
(Theo Vietnam+)