Các hãng hàng không lo ngại biến thể mới sẽ chấm dứt sự hồi sinh ngắn ngủi của ngành công nghiệp du lịch.
Các hãng hàng không lo ngại biến thể mới sẽ chấm dứt sự hồi sinh ngắn ngủi của ngành công nghiệp du lịch.
Hành khách tại sân bay Palma de Mallorca, Tây Ban Nha |
Mới chỉ vài tuần trước, tưởng như giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Mỹ cuối cùng đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm đi lại kéo dài 19 tháng với châu Âu, và hồi sinh các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương hứa hẹn là chiếc “phao cứu sinh” với một ngành công nghiệp ước tính đã thiệt hại 6 ngàn tỉ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giám đốc British Airways, Sean Doyle gọi đây là “khoảnh khắc phải ăn mừng”.
Nhưng sự lạc quan có thể là quá sớm. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, đang khiến nhiều quốc gia phải gấp rút áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước châu Âu đình chỉ toàn bộ hoạt động đi lại đường không từ các nước đã bị Omicron tấn công. Vào thời điểm lời kêu gọi được đưa ra, điều đó có nghĩa là hạn chế các chuyến bay từ 6 quốc gia miền nam châu Phi.
Khi các cụm ca nhiễm Omicron bắt đầu xuất hiện trên khắp Liên minh châu Âu, bao gồm Bỉ, Hà Lan, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha, Đức và CH Séc cũng như Anh, các quốc gia đều đang tiến hành thêm một số bước hạn chế hơn nữa.
Biển báo trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Nhà ga 2 sân bay Heathrow, London ngày 28/11/2021 |
Chẳng hạn, Ba Lan đã công bố lệnh cách ly 14 ngày với bất cứ người nào đến từ bên ngoài khu vực Schengen miễn thị thực của EU. Tây Ban Nha siết chặt thêm các quy định về đi lại, đòi hỏi chứng nhận tiêm phòng với những người đến từ Anh.
Trong khi đó, Thụy Sĩ đưa ra yêu cầu cách ly 10 ngày và xét nghiệm PCR âm tính đối với các công dân không phải Thụy Sĩ hoặc cư dân đến từ các quốc gia trong đó có Bỉ, Hà Lan, Anh và Séc. Chính phủ Anh thì tái áp đặt quy định xét nghiệm PCR và tự cách ly với toàn bộ hành khách từ nước ngoài (ngoại trừ người đến từ Ireland). Mạnh tay hơn, Nhật Bản và Israel đã đóng cửa hoàn toàn biên giới.
Các hãng hàng không lúc này đang “nín thở” chờ các quyết định hạn chế của nhiều quốc gia khác trên thế giới, có thể đóng sập cánh cửa chỉ mới hé mở.
Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Đường không Quốc tế (IATA), Willie Walsh đã chỉ trích các chính phủ về phản ứng ở “chế độ khẩn cấp” với biến thể mới, một biến thể mà thế giới về cơ bản còn chưa hiểu rõ.
“Càng nhanh càng tốt chúng ta phải vận dụng những kinh nghiệm trong hai năm qua để đưa ra một cách tiếp cận phối hợp dựa trên dữ liệu nhằm tìm ra những giải pháp thay thế an toàn cho việc đóng cửa biên giới và cách ly”, ông Walsh lên tiếng.
Hiệp hội các hãng hàng không lớn nhất châu Âu, Airlines for Europe (A4E) cho biết các biến thể mới cần được theo dõi, nhưng việc đóng cửa biên giới chỉ nên là “một biện pháp cuối cùng”. Nhóm vận động hành lang của A4E đề xuất du khách có thể tìm các tuyến đường thay thế để vào EU thông qua những trung tâm hàng không không thuộc EU, nơi các quy định tương tự có thể không được áp dụng.
Trước khi thông tin về biến thể Omicron đẩy các chính phủ vào một quyết định khó khăn, hoạt động hàng không đã được cải thiện phần nào ở Mỹ và châu Âu. Trong tháng 8, số chuyến bay thương mại tại EU đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động du lịch đường không đang đứng trước thách thức mới từ biến thể Omicron |
Tuy vậy, sự hỗn loạn do biến thể Omicron xảy ra trong bối cảnh EU cũng đang xem xét các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn để kiểm soát sự hồi sinh mạnh mẽ của dịch COVID-19 trên toàn khối.
Chẳng hạn, Bồ Đào Nha đã kiểm soát việc đi lại chặt hơn từ trước khi có thông tin về Omicron, tuyên bố yêu cầu bất kỳ ai tới nước này phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi lên máy bay; các hãng hàng không sẽ bị phạt nặng nếu không kiểm tra hành khách.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã cập nhật hướng dẫn đi lại của mình, khuyến nghị rằng giấy chứng nhận vaccine của EU dành cho du lịch chỉ được coi là có giá trị trong 9 tháng.
Kế hoạch siết đi lại được cho là nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine với những người còn do dự và khuyến khích những người đã tiêm hai mũi đi tiêm mũi tăng cường.
Hiệp hội A4E gọi đề xuất của Ủy ban châu Âu là “quá sớm” và “có thể khiến khả năng đi lại của mọi người gặp rủi ro”, do nhiều nước EU vẫn chưa cung cấp liều vaccine thứ ba cho hầu hết dân số trưởng thành.
Các số liệu từ “Our World in Data” cho thấy rất ít người châu Âu đã được tiêm liều vaccine tăng cường, mặc dù một số quốc gia hiện đang gấp rút triển khai chương trình tiêm nhắc lại. Hôm 29/11, Anh thông báo sẽ tiêm mũi thứ ba cho toàn bộ người trưởng thành.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể đã nêu bật tính cấp thiết của việc thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng, nhưng nó cũng cho thấy những phương pháp tiếp cận cực kỳ khác biệt mà các nước EU thực hiện.
Tại cuộc họp báo ngày 29/11, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, Eric Mamer kêu gọi các nước thành viên tuân thủ quy định chứng chỉ COVID của EU, “đặc biệt là không đặt ra những rào cản không đáng có trong việc đi lại đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, có xét nghiệm PCR hoặc có bằng chứng đã hồi phục sau COVID”.
Trước những cảnh báo của các chuyên gia rằng còn quá sớm để hiểu rõ hiệu quả của các loại vaccine hiện tại trước biến thể Omicron, và thực tế là một số quốc gia bắt đầu đóng cửa biên giới, ngành công nghiệp du lịch cho rằng điều đáng sợ có thể đang chờ phía trước.
Ông Eric Drésin, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà điều hành tour và Đại lý lữ hành châu Âu , cho biết “việc cho các nhà khoa học thời gian để tiếp cận và lý giải về những nguy cơ của biến thể Omicron là rất quan trọng”, nhưng cũng kêu gọi các chính phủ EU phối hợp tốt hơn các quy định hạn chế để tránh làm tê liệt ngành công nghiệp du lịch ngay khi ngành này đang phục hồi.
(Theo baotintuc.vn)