WHO đánh giá cao Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19

07:12, 08/12/2021

Tiến sỹ Simao nêu rõ WHO đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực y tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ giới trẻ như các nhà sáng chế mũ Vihelm.

Tiến sỹ Simao nêu rõ WHO đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực y tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ giới trẻ như các nhà sáng chế mũ Vihelm.
 
Nhóm các nhà sáng chế trẻ Vihelm với sản phẩm mũ chống COVID-19, là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc khiến virus không thể lây xuyên qua
Nhóm các nhà sáng chế trẻ Vihelm với sản phẩm mũ chống COVID-19, là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc khiến virus không thể lây xuyên qua
 
Tại cuộc họp Đổi mới sáng tạo phòng chống COVID-19 giữa đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đại diện Việt Nam mới đây, WHO đã đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ công nghệ phòng chống đại dịch của Việt Nam. 
 
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tham dự cuộc họp về phía WHO có Trợ lý Tổng giám đốc WHO Tiến sỹ Mariangela Simao, Tiến sỹ Giles Forte - Phụ trách các dự án đặc biệt và bà Adriana Venazquez - Cố vấn cao cấp của WHO về sản phẩm y tế.
 
Về phía Việt Nam tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cùng một số chuyên gia của Bộ Y tế, và nhóm sáng chế mũ cách ly di động Vihelm.
 
Cuộc họp diễn ra sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới WHO, Tiến sỹ Simao thay mặt Tổng giám đốc WHO đã phát biểu chào mừng đoàn đại biểu Việt Nam đến làm việc tại trụ sở WHO và nêu rõ WHO đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực y tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ giới trẻ như các nhà sáng chế mũ Vihelm, trong việc tìm ra những giải pháp mới nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.
 
WHO đồng thời hoan nghênh ý định của nhóm sáng chế mũ Vihelm đăng ký tham gia Quỹ tiếp cận công nghệ phòng chống COVID (C-TAP) - sáng kiến do Costa Rica và WHO đề xuất và hiện do tổ chức này điều phối.
 
Mục tiêu của C-TAP là thông qua việc chia sẻ bí quyết công nghệ và bằng sáng chế mở nhằm đảm bảo sự tiếp cận kịp thời và công bằng đối với các sản phẩm và công cụ phòng chống COVID-19. 
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam hoan nghênh sáng kiến C-TAP của WHO nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.
 
Quỹ C-TAP sẽ thúc đẩy các sáng kiến khoa học công nghệ trong phòng, chống COVID-19 và tôn vinh tinh thần đoàn kết toàn cầu của các quốc gia tham gia Lời kêu gọi hành động đoàn kết (Solidarity Call to Action) để thu hút các nhà sáng chế, công ty công nghệ đóng góp công trình nghiên cứu cùng chung tay nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. 
 
Trong thời gian vừa qua, nhiều sáng kiến đã được phát triển và ứng dụng tại Việt Nam, trong đó có sáng chế mũ Vihelm của các nhà sáng chế trẻ Việt Nam. Mũ Vihelm là loại thiết bị lọc khí bảo vệ đường hô hấp di động.
 
Nhóm sáng chế này cũng đề xuất phương án thay thế phương pháp cách ly tại nhà truyền thống bằng việc cho phép người cần cách ly có thể sử dụng mũ này đi ra ngoài trong giai đoạn cách ly. Đây là một ý tưởng mang tính cách mạng đối với việc cách ly y tế, đáng được quan tâm nghiên cứu thêm.
 
Nhóm sáng chế Vihelm đã chia sẻ thiết kế sản phẩm miễn phí và sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ thông qua C-TAP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận công nghệ mũ Vihelm chống COVID-19.
 
Đóng góp này của nhóm sáng chế đối với C-TAP thể hiện sự tham gia đoàn kết quốc tế chống COVID-19, được sự hoan nghênh của cả WHO và Bộ Y tế Việt Nam.
 
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ tin tưởng rằng với sự điều phối của WHO và sự tham gia tích cực của các quốc gia, các nhà sáng chế, các nhà khoa học với tinh thần đoàn kết quốc tế, C-TAP sẽ ngày càng phát triển với nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng và sản phẩm sáng chế thiết thực để cùng chung tay chiến thắng đại dịch.
 
Thứ trưởng cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng tham gia C-TAP nhằm chia sẻ sáng chế mở và chuyển giao công nghệ cùng thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19 và những dịch bệnh khác.
 
Sau cuộc họp này, các chuyên gia của WHO đã làm việc chi tiết với nhóm sáng chế mũ Vihelm và công ty Vihelm về một số vấn đề kỹ thuật của quy trình đánh giá của WHO đối với sản phẩm y tế để đưa mũ Vihelm vào danh mục các sản phẩm chia sẻ sáng chế mở trong cơ chế C-TAP của WHO và có thể chuyển giao công nghệ sản xuất mũ Vihelm cho nhà sản xuất có quan tâm ở các nước khác, góp phần chung tay tham gia đoàn kết quốc tế cùng ứng phó với đại dịch COVID-19.
 
(Theo Vietnam+)