Vùng Sừng châu Phi đang trải qua đợt hạn hán liên tiếp thứ ba, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người. Nhằm tránh tái diễn những thảm kịch “đói” từng xảy ra trước đây, trong kế hoạch ứng phó toàn diện với hạn hán, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) ước tính, cần 138 triệu USD để giúp các cộng đồng sinh sống ở vùng nông thôn trong khu vực này đối phó mối đe dọa mới.
Người dân Kenya khan hiếm nước. |
Trong nỗ lực kêu gọi các hỗ trợ về nông nghiệp dành cho vùng Sừng châu Phi, nơi ruộng và đồng cỏ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán kéo dài, FAO cho rằng, tài trợ khẩn cấp hơn 138 triệu USD là cần thiết để hỗ trợ 1,5 triệu người trong các cộng đồng dễ bị tổn thương ở ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ethiopia, Kenya và Somalia. Các gia đình sinh sống phụ thuộc vào nông nghiệp cần hạt giống và các mặt hàng chủ lực khác để có thể duy trì năng lực sản xuất khi mùa gieo trồng chính bắt đầu vào tháng 3.
Trong một khu vực vốn đã có nguy cơ mất an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt, hạn chế về tài nguyên thiên nhiên và xung đột, đại dịch Covid-19 và nạn châu chấu năm 2020-2021 đã làm giảm năng lực ứng phó của cộng đồng nông thôn ở vùng Sừng châu Phi, làm suy giảm năng suất nông nghiệp. Đợt hạn hán thứ ba do hiện tượng La Nina gây ra đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng đói trên diện rộng có thể bùng phát nếu các cộng đồng nông thôn sản xuất lương thực trong khu vực này không nhận được sự hỗ trợ thích hợp kịp thời cho những nhu cầu thiết yếu của mùa nông nghiệp sắp tới.
Tại Ethiopia, Kenya và Somalia, các dự báo cho thấy, khoảng 25,3 triệu người sẽ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào giữa năm 2022. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, nó sẽ đưa vùng Sừng châu Phi trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất thế giới. Năm 2011, một trận hạn hán nghiêm trọng xảy ra làm bùng phát nạn đói ở Somalia khiến 260.000 người chết. Vào năm 2017, nạn đói tiềm ẩn do hạn hán ở bốn quốc gia khu vực Sừng châu Phi được ngăn chặn nhờ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, trong đó hành động sớm và tập trung ưu tiên giúp các cộng đồng nông thôn đối phó căng thẳng trước khi họ rơi vào khủng hoảng lương thực. Phát biểu tại thủ đô Nairobi của Kenya, Giám đốc Văn phòng Các tình huống khẩn cấp và khả năng phục hồi của FAO cho biết, việc hỗ trợ nông dân vào thời điểm này có vai trò và tác động rất lớn.
Những hành động cứu trợ nhanh chóng và đúng lúc sẽ giúp mang lại nguồn vốn hỗ trợ, cung cấp nước, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, chăm sóc thú y và tiền mặt cho các hộ nông dân đang gặp khó khăn, từ đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra một nạn đói thảm khốc. Đối với các gia đình chăn nuôi gia súc, việc hỗ trợ sẽ bao gồm cung cấp thức ăn và bổ sung dinh dưỡng cho gia súc, các trạm y tế thú y di động để giữ cho vật nuôi không bị dịch bệnh và sản xuất sữa, vận chuyển nước đến các hồ chứa nước có thể tích lên tới 10.000 lít được thiết lập ở các vùng sâu, vùng xa... Với các hộ gia đình sống dựa vào cây trồng, FAO có mục tiêu phân phối hạt giống tốt và các loại rau giàu dinh dưỡng, cũng như sắp xếp dịch vụ cày xới đất trước khi trồng cho nông dân. Thêm vào đó là giúp họ tiếp cận hệ thống tưới tiêu cũng như tập huấn về thực hành nông nghiệp. Số tiền mặt tài trợ cũng cho phép các hộ gia đình có khả năng kiếm thêm thu nhập để mua thực phẩm trong khi chờ thu hoạch vụ mùa. Riêng tại Somalia, kế hoạch của FAO còn kêu gọi cung cấp tàu thuyền, thiết bị và đào tạo để giúp các cộng đồng ven biển không thường xuyên đánh bắt cá bảo đảm nguồn cung calo và protein mới.
Vùng Sừng châu Phi là nơi sinh sống của khoảng 130 triệu người và thường xuyên hứng chịu các đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài, gây ra khủng hoảng lương thực trầm trọng tại nhiều quốc gia. Kế hoạch của FAO giúp vùng Sừng châu Phi ứng phó hạn hán toàn diện thông qua thúc đẩy đa dạng hóa sinh kế cho người dân, từ đó ngăn chặn nạn đói có thể xảy ra.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin