Dịch COVID-19: Israel thử nghiệm vaccine ngừa biến chủng Omicron

06:02, 18/02/2022
Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba do hãng dược Pfizer của Mỹ tài trợ, đã được Bộ Y tế Israel phê duyệt và Ủy ban Helsinki - cơ quan giám sát các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người - chấp thuận.
 
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel.
 
Trung tâm Y tế Sheba ở Israel ngày 16/2 thông báo kế hoạch thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine ngừa COVID-19 nhằm đánh giá mức độ miễn dịch đối với biến chủng Omicron.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba do hãng dược Pfizer của Mỹ tài trợ, đã được Bộ Y tế Israel phê duyệt và Ủy ban Helsinki - cơ quan giám sát các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người - chấp thuận.
 
Nghiên cứu sẽ đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và khả năng tạo miễn dịch khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech liều cao hơn (60 µg).
 
Các nhà khoa học cũng sẽ thử nghiệm vaccine trên nền tảng Omicron (60 µg) và kết hợp cả hai loại vaccine (mỗi loại 30 µg hoặc 15 µg) trong mũi tiêm thứ 4 cho người trên 60 tuổi.
 
Khoảng 200 tình nguyện viên đã đăng ký‎ tham gia chương trình thử nghiệm, chủ yếu là nhân viên y tế của bệnh viện Sheba và người thân của họ. Những người này trước đó đã được tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer, trong đó liều mới nhất được tiêm trước 4 tháng so với thời điểm đăng k‎ý thử nghiệm. Dự kiến, các tình nguyện viên sẽ được tiêm những mũi thử nghiệm đầu tiên từ cuối tháng 2 này.
 
Giáo sư Gili Regev-Yochay, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Sheba nhận định cuộc thử nghiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục cuộc chiến với những biến chủng này và có thể còn nhiều biến chủng khác trong tương lai. Ông khẳng định tiêm vaccine vẫn là biện pháp duy nhất nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19 toàn cầu."
 
Tháng 1 vừa qua, hãng Pfizer-BioNTech đã bắt đầu nhận tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 và phản ứng miễn dịch đối với biển chủng Omicron. Với việc hợp tác cùng hãng Pfizer, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng về vaccine ngừa biến chủng Omicron bên ngoài nước Mỹ.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett dự định từ ngày 1/3 tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát phòng dịch COVID-19, vốn được áp dụng từ cuối năm 2021 để đối phó với biến chủng Omicron.
 
Dự kiến trong ngày 17/2, Ủy ban chống COVID-19 của Israel sẽ họp nhằm quyết định về việc dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế và giai đoạn đầu tiên có thể được áp dụng ngay tuần tới.
 
Các biện pháp đầu tiên sẽ là mở cửa đối với du khách nước ngoài, kể cả trẻ em – đối tượng hiện vẫn chưa được cấp phép nhập cảnh do vướng các quy định về tiêm chủng vaccine. Sau đó, các biện pháp hạn chế theo "Thẻ Xanh" (Green Pass) cũng sẽ được bãi bỏ.
 
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đối với các cơ sở giáo dục, như quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, vẫn tiếp tục có hiệu lực. Quy định này cũng sẽ được xem xét lại từ tuần tới.
 
Ngày 16/2, Bộ Y tế Israel công bố dữ liệu về dịch bệnh cho thấy, trong ngày 15/2 cả nước ghi nhận 20.340 ca mắc COVID-19. Tỷ lệ dương tính là 18,73% trong tổng số 108.571 mẫu xét nghiệm kháng nguyên (PCR).
 
Hiện tổng số ca mắc COVID-19 của nước này là 3.491.965 ca, trong đó có 9.687 trường hợp tử vong. Số ca bệnh chuyển nặng tiếp tục giảm ở mức 927 bệnh nhân, trong đó có tới 331 ca đang trong tình trạng nguy kịch, 271 ca phải thở máy qua khí quản và 28 ca phải can thiệp ECMO.
 
(Theo Vietnam+)