Theo thông báo, 2.400 binh lính Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ được rút dần.
Binh sỹ Pháp tại căn cứ quân sự Timbuktu, Mali ngày 5/12/2021. |
Ngày 16/2, Pháp cùng các đồng minh châu Âu thông báo sẽ bắt đầu rút quân khỏi Mali sau gần 10 năm tham chiến nhằm đẩy lùi các lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Tây Phi này.
Tuyên bố chung từ Pháp và các đồng minh châu Phi, châu Âu nêu rõ nhiều trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không có đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động.
Quyết định trên có hiệu lực với cả lực lượng Barkhane của Pháp tại vùng Sahel và lực lượng Takuba của châu Âu, với sự tham gia của Pháp và các đồng minh. Theo đó, 2.400 binh lính Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ được rút dần.
Các căn cứ quân sự Pháp tại Mali gồm Gossi, Menaka và Gao cũng sẽ đóng cửa nhưng việc rút quân sẽ được thực hiện một cách quy củ có trật tự.
Tuyên bố nêu rõ các đồng minh sẽ phối hợp rút quân ra khỏi lãnh thổ Mali. Ưu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ là đảm bảo việc rút quân không dẫn đến hỗn loạn.
Pháp đã triển khai lực lượng đến Mali năm 2013 nhưng chưa đạt được mục tiêu đẩy lui hoàn toàn lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực. Do đó, dù rút quân khỏi Mali nhưng các đồng minh kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại khu vực Sahel, trong đó có Niger và vùng Vịnh Guinea.
Các bên đã bắt đầu tham vấn chính trị và quân sự để xây dựng và thống nhất các điều khoản hợp tác trước tháng 6.
Tuyên bố được đưa ra khi Tổng thống Pháp Macron chuẩn bị đến Brussels (Bỉ) để tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-châu Phi diễn ra trong 2 ngày 17-18/2.
Phát biểu ngày 17/2 tại cuộc họp báo ở Paris, Tổng thống Macron nhận định các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang coi vùng Sahel ở Tây Phi và các nước vùng Vịnh Guinea là ưu tiên trong chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động.
Ông Macron cho rằng những tổ chức này đang đầu tư và khai thác những lỗ hổng chính trị tại các địa bàn trên để đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực và trên toàn cầu.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp, Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết các nước châu Phi và các đối tác châu Âu đều nhất trí rằng cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel không thể chỉ do các nước châu Phi gánh vác.
Hiện có khoảng 25.000 binh lính nước ngoài được triển khai tới vùng Sahel ở Tây Phi, trong đó có 4.300 binh lính Pháp và sẽ giảm xuống còn 2.500 người vào năm 2023 theo kế hoạch giảm quân số công bố năm 2021. Thời kỳ đỉnh điểm, Pháp triển khai 5.400 quân tới khu vực.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin