Trong 7 ngày tính đến sáng 20/2, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 toàn cầu có chiều hướng giảm so với tuần trước, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 9%. Xu hướng này ghi nhận tại hầu hết các châu lục.
|
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New Jersey, Mỹ. |
Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới trong tuần qua có dấu hiệu lắng dịu, mặc dù nhiều nước vẫn chứng kiến sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo số liệu trên chuyên trang worldometers.info, trong 7 ngày tính đến sáng 20/2, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 toàn cầu có chiều hướng giảm so với tuần trước, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 9%. Xu hướng này được ghi nhận tại hầu hết các châu lục.
Tại châu Âu, số ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua đã giảm 23%, song một số quốc gia, điển hình là Nga, dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng khi cả hai con số thống kê ca mắc mới và tử vong trong tuần đều ở mức cao nhất châu lục. Khu vực châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi cũng ghi nhận xu hướng giảm tương tự.
Số ca mắc mới và tử vong ở châu Á giảm lần lượt là 8% và 13%, nhưng nhiều nước lại chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, như Singapore (số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 15/2), Indonesia (số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 16/2), Campuchia (số ca mắc đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua), Nhật Bản (số ca tử vong mới ở mức cao nhất trong ngày 16/2) hay Hàn Quốc (số ca mắc mới ở mức trên 100.000 ca trong hai ngày liên tiếp)...
Mặc dù vậy, khi hơn một nửa (54%) dân số trên thế giới đã được tiêm chủng, giới khoa học cho rằng đại dịch COVID-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu mà nhân loại có thể sống chung, nhiều chính phủ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế, trong đó có kế hoạch mở lại đường biên giới để thúc đẩy lĩnh vực du lịch.
Đây được xem là bước chuyển quan trọng trong lộ trình sống chung an toàn với COVID-19 mà nhiều nước theo đuổi, được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” giúp tăng trưởng kinh tế.
Các nước châu Âu và Mỹ đã xúc tiến mở cửa du lịch từ năm ngoái và thu được kết quả khả quan. Tại châu Âu, việc sử dụng chứng nhận COVID-19 và triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng đại trà đã giúp ngành du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) phục hồi nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới, trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành.
Trong khi đó, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á-Thái Bình Dương đã và đang mở cửa du lịch trong tháng 2 này với sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm một quá trình an toàn và hiệu quả.
Thái Lan hiện triển khai chương trình Test & Go dành cho khách quốc tế. Du khách đủ điều kiện tham gia chương trình này là những người đã tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine (ngoại trừ người dưới 18 tuổi), phải mua bảo hiểm du lịch có giá trị bồi thường ít nhất 50.000 USD, trong đó bao gồm chi phí điều trị COVID-19, cũng như xuất trình giấy chứng nhận đặt thuê phòng khách sạn ít nhất hai đêm. Việc xét nghiệm PCR cũng được tiến hành định kỳ vào ngày đầu tiên và thứ năm của chuyến đi và do du khách tự chi trả.
Lào lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch theo 3 giai đoạn, trước mắt thực hiện từ tháng 1-7/2022, trong đó các điểm đến sẽ được nới rộng dần theo thời gian.
Du khách tới Lào sẽ phải mua sẵn bảo hiểm y tế với mức bồi thường ít nhất từ 50.000 USD, cùng giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính. Khi nhập cảnh, du khách sẽ được yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai.
Singapore thông báo sẽ mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly tới Hong Kong (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sẽ bổ sung thêm các điểm đến.
Nước này cũng sẽ khôi phục và tăng số người được phép tham gia Chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), vốn đã giảm quy mô từ tháng 12/2021 để đối phó với biến thể Omicron.
Malaysia dự kiến mở cửa biên giới, sớm nhất là ngày 1/3 tới để đón khách du lịch mà không cần kiểm dịch. Trong khi đó, Indonesia sẽ giảm thời gian cách ly đối với khách du lịch đã được tiêm nhắc lại ngừa COVID-19 từ 5 ngày hiện nay xuống 3 ngày đối với du khách đã tiêm mũi tăng cường, trong bối cảnh tốc độ lây lan của đại dịch có dấu hiệu chậm lại.
Tại Việt Nam, khách du lịch sẽ phải đáp ứng các điều kiện như tham gia chương trình tour của doanh nghiệp lữ hành, chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng; kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Theo quy định mới nhất công bố ngày 17/2, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể đến Việt Nam bằng chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, thay vì chỉ chuyến bay thuê bao như trước đây.
Quy định mới cũng cho phép sau 3 ngày tham gia tour, nếu có kết quả PCR âm tính, du khách tiếp tục được tới các địa phương đón khách quốc tế (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh).
Trường hợp có xét nghiệm dương tính sẽ được cách ly, điều trị. Ngoài ra, du khách quốc tế cần có bảo hiểm y tế với nội dung chi trả điều trị COVID-19 từ 20.000 USD, thay vì 50.000 USD như trước đây. Theo kế hoạch, ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch, dỡ bỏ các hạn chế đi lại.
Kể từ đầu tháng 3 tới, Nhật Bản cũng sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh nước này xuống chỉ còn 3 ngày, từ mức 7 ngày hiện nay. Thời gian cách ly sẽ kết thúc sau khi người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày từ 3.500 người hiện nay lên 5.000 người/ngày.
Theo hình thức tương tự, Australia thông báo sẽ cửa biên giới cho tất cả những người có thị thực kể từ ngày 21/2 tới, trong khi đó những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm PCR trước khi đến Canada.
Tại Trung Đông, Jordan thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 1/3. Theo đó, nước này sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với toàn bộ du khách nhập cảnh vào nước này; những người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly 5 ngày, bắt đầu từ ngày lấy mẫu xét nghiệm và không cần phải xét nghiệm PCR khi hết thời gian cách ly.
Có thể thấy việc thêm nhiều quốc gia quyết định mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong bối cảnh các nước đang tìm cách thích ứng linh hoạt, chủ động với đại dịch.
Giáo sư dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London (Anh) David Heymann cho rằng những thay đổi về chính sách của các chính phủ là bằng chứng cho thấy các quốc gia đang chuyển sang chiến lược chống dịch bệnh COVID-19 tương tự như với bệnh cúm mùa.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng dược phẩm BioNTech (Đức) - ông Ugur Sahin cho rằng những động thái trên chứng tỏ "thế giới đang có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2".
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin