Tình trạng thiếu hụt nhân công trong gần như tất cả lĩnh vực đã buộc các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn trong việc tìm nguồn lực thay thế.
Sofia-Rose Adams, 13 tuổi, cùng chị gái 17 tuổi Orlane làm thêm trong quán cà phê ở Saint-Mathias-sur-Richelieu, Canada |
Sofia-Rose Adams khéo léo xúc một miếng kem lên chiếc ốc quế và quản lý quầy thu ngân tại quán cà phê Les Gourmandes ở vùng Montreal, Canada. Cô bé 13 tuổi đeo kính đội mũ lưỡi trai xanh này là một trong số những thanh thiếu niên Canada quyết định làm thêm sau giờ học, nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của đất nước.
Adams cho biết: “Cháu muốn có một công việc bán thời gian, làm việc nhiều giờ ở đây và cháu sẽ kiếm được một khoản tiêu vặt”. Đối với cô bé, “bắt đầu đi làm ở tuổi này” là chuyện bình thường.
Tại Quebec, không có giới hạn về độ tuổi làm việc. Những người dưới 14 tuổi khi muốn làm việc thì cần có sự cho phép của bố mẹ. Pháp luật tại đây cũng không quy định về số giờ làm việc, chỉ trừ khi những công việc đó không trùng với thời gian học tại trường hay ban đêm đối với những người dưới 16 tuổi.
Tại khu bếp của quán Les Gourmandes, một thiếu niên khác đang chuẩn bị món súp. Trong 8 người làm việc tại quán cà phê nhỏ này có tới 7 người dưới 18 tuổi.
“Sau đại dịch, chúng tôi gặp khó trong việc thuê người làm. Đối với những vị trí toàn thời gian, thực sự khó khăn vì không ai nộp hồ sơ cả”, bà chủ Marie-Eve Guertin chia sẻ khi lần đầu tiên trong gần 10 năm quản lý cửa hàng bà phải thuê đến người lao động dưới 15 tuổi.
Tại Quebec, tỷ lệ thất nghiệp lần gây đây nhất được ghi nhận là 3,9%, trong khi tỷ lệ đó trên toàn quốc là 5,1%. Tình trạng thiếu hụt nhân công trong gần như tất cả lĩnh vực đã buộc các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn trong việc tìm nguồn lực thay thế. Đối với một số doanh nghiệp, họ tìm đến phương án thuê thanh thiếu niên, thậm chí là thiếu nhi.
Trong khi không có dữ liệu chính thức về số lượng trẻ em dưới 14 tuổi trong thị trường lao động, số liệu chỉ ra một nửa trong nhóm từ 15 đến 19 tuổi có việc làm.
“Cháu bắt đầu làm việc từ năm 14 tuổi”, Philippe Marcil hiện đã 17 tuổi và làm thêm trong một cửa hàng quần áo cho nam giới ở ngoại ô Montreal.
“Cháu hiểu rõ ở độ tuổi còn nhỏ, việc đi làm lấy kinh nghiệm là rất quan trọng, nên cháu muốn thử trải nghiệm”, thiếu niên đã có hai năm làm quản lý tại một cửa hàng thức ăn nhanh chia sẻ.
Mong muốn trở thành luật sư, Marcil cho biết cậu bé tìm cách cân bằng giữa cuộc sống xã hội, công việc và học tập bằng cách lên “thời khóa biểu chính xác" và cố gắng bám theo kế hoạch từ trường nhất có thể.
Marcil tự giới hạn số giờ làm việc là 15 giờ một tuần, thế nên công việc của cậu không ảnh hưởng đến việc học.
Charles Fleury, nhà xã hội học tại Đại học Laval ở Thành phố Quebec, cho biết lao động trẻ em "luôn hiện hữu ở Quebec, đặc biệt nếu so sánh với các nước châu Âu”.
“Cho dù xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hay khó khăn, thì việc có được một công việc như vậy là một minh chứng cho sự tự chủ”, chuyên gia lưu ý thêm loại hình công việc đang thay đổi. Ngày nay, thanh thiếu niên không còn hài lòng với việc trông trẻ, giao báo hay hái trái cây trong trang trại.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cảnh báo thực trạng mới vẫn “tạo ra nguy cơ khuyến khích các em bỏ học hoặc sa sút học hành”.
Trong khi đó, người đứng đầu Sở Lao động Quebec Jean Boulet bình luận ông không thấy đứa trẻ 11 tuổi đi làm là chuyện “bình thường” và đề xuất Quebec nên cân nhắc giới hạn độ tuổi làm việc.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin