Hoạt động kinh tế của Sri Lanka gần như đi vào bế tắc khi quốc đảo này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, cũng như cạn kiệt nguồn nhiên liệu cho phương tiện giao thông.
Người dân Sri Lanka chờ đợi mua xăng và dầu hỏa ở Kandy |
Sau khi Chính phủ Sri Lanka tuyên bố thứ Sáu là ngày nghỉ đối với các văn phòng thuộc lĩnh vực công và trường học để hạn chế hoạt động di chuyển của xe cộ, nhiều con đường trong và xung quanh thủ đô Colombo đã trở nên vắng vẻ. Tuy nhiên, hàng nghìn phương tiện vẫn xếp hàng dài hàng km ở các trạm nhiên liệu để chờ đổ xăng.
Đầu tuần qua, Nội các Sri Lanka đã chấp thuận đề xuất cho các nhân viên nhà nước làm việc 4 ngày/tuần trong 3 tháng tới, một phần do tình trạng thiếu nhiên liệu khiến việc đi làm gặp khó khăn và cũng để khuyến khích họ tăng gia sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực. Sri Lanka có khoảng 1 triệu người làm việc trong khu vực công.
Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera hôm 16/6 cho biết Tập đoàn Dầu khí Ceylon do nhà nước điều hành đã không nhận được đấu thầu cho các kho dự trữ nhiên liệu mới vì phía cung cấp không thể thanh toán hóa đơn nhập khẩu.
Theo ông Wijesekera, quốc gia Nam Á này đã liên hệ với một số công ty và quốc gia, trong đó cả Nga, để tìm nguồn cung cấp, đồng thời hy vọng sẽ được Ấn Độ chấp thuận hạn mức tín dụng 500 triệu USD mới cho nhập khẩu nhiên liệu.
Ngoài ra, nước này sẽ áp dụng một hệ thống hạn ngạch nhiên liệu hằng tuần đối với các phương tiện giao thông. Theo đó, tất cả người lái xe sẽ đăng ký tiếp nhiên liệu tại trạm xăng gần nhất và hạn ngạch sẽ được áp dụng từ tuần đầu tiên của tháng 7. Quan chức này giải thích: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc ghi tên những người lái xe tại các trạm đổ xăng và cấp cho họ một hạn ngạch đảm bảo hằng tuần cho đến khi có thể ổn định tình hình tài chính, khôi phục cung cấp điện 24 giờ và đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu không gián đoạn”.
Nhiều tháng qua, cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trên khắp hòn đảo này, nhằm tìm cách yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và các thành viên gia đình từ chức khỏi nội các. Họ bị đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mọi thứ, từ nhiên liệu đến thuốc men, lạm phát gần 40%, mất điện 13 tiếng mỗi ngày và một vụ vỡ nợ chấn động lịch sử quốc gia.
Theo Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, quốc gia này sẽ cần khoảng 6 tỷ USD viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước trong vòng 6 tháng tới. Chính quyền địa phương đang tìm cách tiến hành đàm phán nhanh chóng về gói cứu trợ với IMF để có được các nguồn tài trợ mới khác.
Nền kinh tế Sri Lanka có thể bị đình trệ trong quý đầu tiên do ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình, bất ổn chính trị, giá cả hàng hóa tăng cao và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Theo Bloomberg Economics, Sri Lanka sẽ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái trong năm nay.
Liên hợp quốc tuần trước cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Sri Lanka và cơ quan này có kế hoạch cung cấp 47 triệu USD để giúp hơn 1 triệu người dễ bị tổn thương tại nước này. Theo cơ quan trên, cứ 5 phụ nữ Sri Lanka thì có tới 4 người đã bắt đầu phải nhịn ăn vì không có tiền để mua lương thực. Quốc đảo 22 triệu dân này đang trong tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng và rất chật vật trong việc nhập khẩu nhiên liệu, lương thực và thuốc men.
(Theo baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin