Đây là khẳng định của ông Kris Van de Velve, người sáng lập ra hệ thống giải chạy địa hình Asia Trail Master tại châu Á trong một chuyến ông đến Đà Lạt gần đây. Nếu có 2 giải chạy địa hình hiện diện tại thành phố này sẽ góp phần không nhỏ để thu hút vận động viên (VĐV) từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây trong những dịp giải diễn ra.
Một VĐV về đích tại Giải Chạy địa hình Lamdong Trail trong tháng 11/2022 |
• ASIA TRAIL MASTER LÀ GÌ?
Asia Trail Master là một chuỗi các giải chạy địa hình tổ chức ở nhiều nước tại châu Á. Dựa trên một hệ thống tính điểm minh bạch, rõ ràng, các giải chạy trong hệ thống này được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng thể thao quốc tế. Điều này có nghĩa các VĐV- những người yêu thích môn chạy địa hình khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng theo dõi những giải đấu này trong năm và có thể chọn đăng ký tham gia các giải. Mỗi giải chạy thường có nhiều cự ly cho các VĐV trong mọi trình độ, tùy sức lực để tham dự nhưng hằng năm hệ thống giải đấu này sẽ tổ chức một giải vô địch đặc biệt (Grandmaster Quest) đưa những người xuất sắc nhất từ các quốc gia đến cùng tranh tài với nhau trong các cự ly dài (siêu Marathon) để chọn ra nhà vô địch.
Người thành lập hệ thống này là ông Kris Van de Velve, 45 tuổi, người Bỉ, hiện đang sống và làm việc tại Bali - Indonesia. Sinh ra trong một gia đình yêu thể thao, có cha là một VĐV đua xe đạp, mẹ là VĐV chạy địa hình, từ nhỏ Kris Van de Velve đã mê chạy, từng là một VĐV nhỏ tuổi nổi tiếng về chạy bộ tại quốc gia này. Năm 15 tuổi, theo lời khuyên của cha, ông lại trở thành một VĐV xe đạp từng thi đấu tại các giải đấu lớn nước mình.
Năm 2010, khi nghỉ thi đấu xe đạp vì chấn thương, Kris Van de Velve qua Trung Quốc làm việc. Tại Trung Quốc, ông hỗ trợ điều hành các giải đua xe đạp tại quốc gia rộng lớn này và khi phong trào chạy bùng phát mọi nơi ông đã hợp tác với nhiều người để tổ chức các giải chạy lớn tại Trung Quốc. Sau đó ông tổ chức một giải chạy địa hình lớn tại Hồng Kông và chuyển sang đây. Năm 2014, ông thành lập hệ thống chạy địa hình châu Á Asia Trail Master với trụ sở chính tại Hồng Kông.
Mục tiêu của hệ thống giải chạy địa hình , theo Kris Van de Velve, đó là việc thúc đẩy phát triển lối sống lành mạnh và nâng cao ý thức về môi trường cho các cộng đồng dân cư địa phương lẫn các VĐV quốc tế tham gia giải thông qua môn chạy địa hình; tạo ra sự gắn kết và duy trì mối quan hệ giữa mọi người từ các quốc gia, từ mọi nền văn hóa và nguồn gốc khác nhau nhằm tạo ra một cộng đồng chung yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Hệ thống Asia Trail Master theo ông, khi các đơn vị tổ chức giải chạy địa hình tại các quốc gia châu Á tham gia vào, sẽ cung cấp một nền tảng với nhiều sức mạnh hơn để quảng bá, tiếp cận với thị trường thế giới; có sức ảnh hưởng truyền thông mạnh mẽ hơn thông qua thương hiệu của Asia Trail Master. Hệ thống Asia Trail Master sẽ đưa tin trực tiếp về cuộc đua, hỗ trợ công tác tổ chức và kỹ thuật, đưa các công ty lớn về thể thao trên thế giới tiếp cận với giải đấu.
Và một điều quan trọng nữa, theo Kris Van de Velve, đó là hệ thống giải đặt ra các mục tiêu mới về thành tích cho các VĐV chạy địa hình tại châu Á, đưa ra các giải đấu trong hệ thống tại các quốc gia để các VĐV có thể tham gia cũng như tham gia giải vô địch của hệ thống này hằng năm (Grandmaster Quest), bên cạnh các phần thưởng giá trị còn có các hợp đồng tài trợ với các thương hiệu lớn.
Cho đến nay, theo Kris Van de Velve, hệ thống giải chạy địa hình Asia Trail Master đã phát triển rộng ra từ 13 - 15 quốc gia trên khắp châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, India… với 30 giải trong hệ thống được tổ chức hằng năm. Một số giải chạy địa hình lớn trong hệ thống có thể kể đến là Giải Ultra Trail Chiang Rai ở Thái Lan, Izu Trail Journey ở Nhật Bản, Borneo TMBT Ultra ở Malaysia, The 9 Dragons Ultra ở Hồng Kông (Trung Quốc), Vietnam Mountain Marathon và Dalat Ultra Trail ở Việt Nam.
Trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên giải vô địch này không tổ chức được.
• NHỮNG LỢI ÍCH
Lợi ích lớn nhất khi tham gia hệ thống giải đấu này như Kris Van de Velve khẳng định lại, chính là tiếp cận được nguồn lực với sự hỗ trợ kỹ thuật của Asia Trail Master, quảng bá được hình ảnh ra với thế giới để đưa VĐV quốc tế đến với giải đấu.
Có thể thấy sự bùng nổ của các giải chạy Marathon hiện nay tại Việt Nam trong đó có các giải chạy địa hình. Rất nhiều các tỉnh, thành trong nước hiện nay đều có mặt các giải chạy với hình thức “xã hội hóa” và có rất đông VĐV tham gia trong mọi lứa tuổi, mọi cự ly. Để tham gia các giải chạy này mỗi người phải tự đóng tiền, lệ phí tham gia cũng chẳng hề rẻ chút nào, tuy nhiên, đây là một cơ hội để từng người “kiểm tra” sức khỏe cho chính mình, tìm thấy sự thử thách và niềm vui trong thể thao, hòa nhập với cộng đồng, với thiên nhiên.
Như ông Kris Van de Velve đánh giá, các giải chạy Marathon và Siêu Marathon này tại Việt Nam đã ngày càng được tổ chức tốt, chuyên nghiệp hơn. Cái thiếu duy nhất chính là công tác quảng bá giải, nhất là quảng bá ra với thế giới.
Điển hình như Dalat Ultra Trail, là thành viên của Asia Trail Master, chỉ trong vòng chừng 5 năm từ khi bắt đầu tổ chức giải đấu này tại Đà Lạt, nhờ quảng bá ra thế giới, đã có thời điểm số VĐV đăng ký tham gia lên trên 5.000 người, trong đó có khoảng 500 VĐV người nước ngoài tham dự. Trong số VĐV này có những người làm việc tại Việt Nam nhưng cũng có không ít người từ các nước trên thế giới đến Việt Nam chỉ để tham dự giải đấu này. Trong năm 2023 này, Dalat Ultra Trail theo lịch sẽ trở lại trong tháng 3 và hứa hẹn sẽ có rất đông VĐV trong nước và nước ngoài tranh tài.
Một giải đấu khác cũng vừa tổ chức lần đầu tiên tại Đà Lạt là Giải Chạy địa hình Lamdong Trail do Công ty Tổ chức sự kiện Nón Xanh (GreenHat) tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng diễn ra trong tháng 11/2022 thu hút gần 2.000 VĐV tranh tài, trong đó có 170 VĐV nước ngoài đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Giải đấu này cũng có các cự ly thi đấu từ 10 km, 21 km, 45 km đến 70 km với các đường đua trải rộng trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Tại Việt Nam hiện nay, theo Kris Van de Velve, phía Bắc đã có 2 giải chạy địa hình khá nổi tiếng trong hệ thống Asia Trail Master trong đó có Giải Vietnam Mountain Marathon diễn ra tại Lào Cai với địa điểm du lịch nổi tiếng Sapa, thu hút rất đông VĐV thi đấu hằng năm khi tổ chức. Phía Nam mới chỉ có Dalat Utra Trail đưa vào hệ thống.
Theo ông, Đà Lạt rất thuận lợi để có thể tổ chức các giải chạy địa hình vì nhiều nguyên do: có địa hình và khí hậu miền núi rất thích hợp cho chạy địa hình; có một thành phố du lịch với hệ thống khách sạn nhà hàng có thể tiếp nhận một lượng lớn VĐV đồng loạt đổ về đây khi giải diễn ra; hệ thống giao thông đi lại tương đối thuận lợi; con người Đà Lạt hiếu khách, hiền hòa; cảnh quan môi trường tuyệt đẹp. Chính vì vậy, trong tháng 11/2022 vừa qua, ông đã qua đây để kiểm tra ứng viên Lamdong Trail cho hệ thống của ông. Nếu giải đấu này đạt chuẩn trong thời gian đến thì Đà Lạt sẽ có đến 2 giải trong hệ thống Asia Trail Master và lúc đó không chỉ VĐV trong nước mà đông đảo các VĐV nước ngoài trên khắp thế giới sẽ đổ về đây dự giải hằng năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin