Lớp học bóng đá đặc biệt của trẻ khiếm thính

HỒNG THẮM 20:29, 23/02/2023

(LĐ online) - “Mọi người có thể thấy, trên sân, với trái bóng, đám trẻ hồn nhiên và được làm chính mình”, ông Nguyễn Trí Ngọc Khoa mỉm cười khi nói về các học trò đặc biệt của mình là hơn 20 học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng đang vui chơi trên sân cỏ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc Khoa – Cựu cầu thủ của đội tuyển bóng đá Lâm Đồng, huấn luyện viên đội bóng Hồng Lạc FC
Ông Nguyễn Trí Ngọc Khoa – Cựu cầu thủ của đội tuyển bóng đá Lâm Đồng, huấn luyện viên đội bóng Hồng Lạc FC

Gần 3 năm nay, có một lớp học bóng đá đặc biệt diễn ra ở sân của Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Lâm Đồng. Một lớp học không có tiếng nói, tiếng hò hét như thông thường mà thầy, trò giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, bằng cử chỉ và thêm một thứ ngôn ngữ đặc biệt, ngôn ngữ của trái bóng tròn.
Bằng tình yêu với bóng đá của mình, ông Nguyễn Trí Ngọc Khoa, một cựu cầu thủ Lâm Đồng, đã truyền đến cho học trò của mình nguồn năng lượng tích cực và niềm vui sau những giờ học tập tại ngôi trường khiếm thính.  
Ý tưởng được ông Khoa đưa ra khi được truyền cảm hứng từ những cuốn sách và cuộc đời của nữ nhà văn nhà văn Helen Keller. Chính những câu chuyện nghị lực của nữ nhà văn – một người mù và điếc đã giúp ông Khoa nhận ra rằng, các em cũng giống như mỗi người chúng ta, tiềm ẩn bên trong một nguồn năng lượng và khả năng mà nếu không thử khám phá thì không thể biết được. 
“Điều mong muốn lớn nhất của tôi, là các em được giải trí, được chơi bóng mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Bởi như Bác Hồ đã nói, ai trong chúng ta sinh ra đều có quyền bình đẳng. Và hơn hết, tôi cảm nhận được cái năng lượng mạnh mẽ trong các em, chúng không khác gì những cậu học trò khác của tôi”, ông Khoa bộc bạch.



Nhớ về những ngày đầu tiên, ông Khoa không khỏi bật cười bởi những tình huống dở khóc dở cười khi lần đầu tiên dạy bóng đá cho trẻ khiếm thính. Mà theo ông khó khăn lớn nhất, đó chính là việc giao tiếp, trao đổi để các em hiểu, làm theo cũng như tập trung mỗi lần thầy có bài tập mới cho các em.
“Mình không biết ngôn ngữ ký hiệu nên ban đầu cũng khá lúng túng khi dạy cho các em. Dùng cả tay, chân, đầu và tất cả những gì có thể để diễn tả cho các em hiểu. Các em lúc đó cũng tập luyện và thi đấu một cách bản năng. Mình liên tục phải theo sát và nhiều tình huống nguy hiểm phải ra dấu dừng lại, nhờ giáo viên của trường giải thích cho các bạn không được làm như vậy nữa”, ông Khoa kể.

Thầy và trò giao tiếp với nhau thông qua các động tác tay, chân và trái bóng
Thầy và trò giao tiếp với nhau thông qua các động tác tay, chân và trái bóng

Sau nhiều nỗ lực và cả sự kiên trì của cả thầy và trò, mọi thứ dần đi vào ổn định. Cứ mỗi sáng chủ nhật, học sinh được chủ động đến lớp. Chứng kiến học sinh chơi bóng trên sân, ông Khoa bảo rằng mình cũng cảm thấy hạnh phúc bởi đã mang lại niềm vui và sự bình đẳng cho các em. Dù rằng thời gian tập luyện không nhiều và giữa thầy, trò vẫn còn khó khăn trong giao tiếp, nhưng các em cũng đã mạnh dạn hơn. Ông Khoa nhận thấy rằng nhiều em tiếp thu rất nhanh và bộc lộ khả năng chơi bóng rất tốt.
Theo thầy Phan Linh Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, 2 giờ học bóng đá vào chủ nhật luôn luôn được các em học sinh chờ đợi sau một tuần học tập tại trường. Bằng cách này, các em được thoải mái vận động với môn thể thao yêu thích, và đây cũng là cách rất tốt để các bạn hòa nhập với cộng đồng.

Thông qua bóng đá, các em học được tính kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau
Thông qua bóng đá, các em học được tính kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau

Thời gian đầu, nhà trường cắt cử giáo viên đi theo để hỗ trợ thầy Khoa giao tiếp với các em thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, chỉ qua một thời gian ngắn cùng tập luyện, những ký hiệu trong bóng đá trở thành ngôn ngữ chung để thầy và trò cùng hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Hầu hết các em học sinh đều rất hào hứng và vui vẻ hơn sau mỗi giờ chơi bóng. 
Hiểu được công việc thầm lặng mà ông Khoa đang làm, Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao cũng đã miễn phí sân tập, nhiều phụ huynh và các nhà hảo tâm cũng bằng nhiều hình thức khác nhau hỗ trợ một phần kinh phí, trang phục tập luyện cho các em.
 “Mình cũng không kỳ vọng điều gì lớn lao, chỉ mong có thể tiếp tục dạy dỗ và mang lại niềm vui đến cho các em, vậy là đủ rồi”, ông Khoa chia sẻ.

Ông Khoa rất tự hào về những cậu học trò đặc biệt của mình
Ông Khoa rất tự hào về những cậu học trò đặc biệt của mình