Arsenal đang “bay bổng” lúc này khi liên tục dẫn đầu Ngoại hạng Anh với một lối chơi cực kỳ hấp dẫn. Liệu đội bóng này có vô địch Premier League hay không là một câu hỏi do chính họ trả lời vì đến thời điểm này vẫn còn không ít các trận đấu trước mắt. Nhưng những ngày này khi coi Arsenal chơi bóng, người viết cứ nhớ đến HLV Arsene Wenger!
Arsene Wenger trên ghế khán giả trong trận Arsenal thắng 3-1 trước West Ham tại vòng đấu thứ 17 Ngoại hạng Anh |
Một buổi tối ở Hà Nội khi tôi cùng một số bạn học ra quán ven đường xem bóng đá. Đó là một trậu đấu của Arsenal với một đội bóng khác trong Giải Ngoại hạng, cũng là thời điểm sau Tết Nguyên đán, trong thời tiết đặc thù mưa phùn se lạnh của Hà Nội, nhưng trong quán lúc đó nóng rực vì trận đấu diễn ra khá hấp dẫn.
Và đột nhiên, không khí ồn ào lại càng thêm phần phấn khích khi trên màn hình xuất hiện một bàn thắng cực đẹp của Arsenal. Freddie Ljungberg, cầu thủ người Thụy Điển của đội bóng này vừa có một pha làm bàn siêu đẳng. Có bóng từ phía gần cuối sân, anh một mình đi bóng lên, điềm tĩnh vượt qua nhiều cầu thủ đánh chặn của đối thủ rồi tung một cú sút dứt điểm điệu nghệ, bóng đi vào lưới trong sự bất lực của thủ môn đối thủ.
Đó là một bàn thắng kiểu Arsenal. Một bàn thắng mà bất kỳ cầu thủ nào khi chơi bóng ắt hẳn sẽ rất mong ghi được trong đời mình. Một bàn thắng mà cả cầu trường phải bật dậy, cả những người trong cái quán đó trong đó có tôi, đều vỗ tay thán phục. Màn ảnh bật lên khuôn mặt với nụ cười điềm tĩnh của Arsene Wenger, HLV người Pháp của đội lúc đó.
Đó là mùa giải 2001 - 2002, khi Arsenal đến cuối mùa giành danh hiệu vô địch Ngoại hạng. Arsenal lúc đó như đang chơi một thứ bóng đá tấn công say lòng cho những ai yêu bóng đá. Như khuôn mặt điềm tĩnh của Arsene Wenger, đội bóng với những “đứa trẻ” của ông đang cho thế giới thấy nét đẹp của bóng đá, một thứ bóng đá cống hiến hết mình cho khán giả, cho người xem; một thứ bóng đá hào hoa, lịch thiệp nhưng có lúc cũng rắn rỏi không kém, không ngại va chạm, không sợ tranh chấp. Arsenal lúc đó là một kho thuốc súng đúng nghĩa (Arsenal trong tiếng Anh có nghĩa là kho thuốc súng), chinh phục trái tim người xem trên khắp thế giới, góp phần không nhỏ để cùng đưa Ngoại hạng Anh thành một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cho đến nay.
Nhưng 2001 - 2002 chưa phải là mùa giải Arsenal có màn trình diễn tuyệt hảo của mình. Trước đó, trong mùa giải 1997 - 1998, cùng Arsene Wenger họ đã giành danh hiệu vô địch Ngoại hạng. Đến mùa giải 2022 - 2023, họ về nhì Ngoại hạng, giành được Cúp FA. Đến mùa giải 2003 - 2004, đội bóng này đã trở thành một kẻ “bất khả chiến bại - The Invincibles” khi họ lên ngôi vô địch mà chẳng hề thua trận nào.
Trước họ, đã có một đội bóng khác lập được kỷ lục này, đó là Preston North End (có trụ sở tại thành phố Preston, Lancashire, hiện đang thi đấu ở giải Championship - hạng Nhất của bóng đá Anh), nhưng đó là vào mùa giải 1888 - 1889, cách mùa giải Arsenal lập lại kỷ lục này đến tận… 113 năm. Trong bóng đá Anh, cho đến nay mới chỉ 2 đội, Preton North End và Arsenal, lập được kỷ lục bất bại trong một mùa giải như thế. Ngoại hạng Anh mùa này đã trao cho Arsenal một phiên bản chiếc cúp màu vàng khá đặc biệt để ghi nhận điều này.
Nhưng Arsenal còn kéo dài chuỗi đấu bất bại của mình sau mùa giải 2003 - 2004 đến 49 trận, một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” mà cho đến nay chưa đội bóng nào tại Anh lập được. Năm 2012, đội hình của Arsenal mùa giải 2003 - 2004 đã được Ngoại hạng Anh vinh danh là “Đội hình tiêu biểu nhất” trong dịp kỷ niệm Premier League tròn 20 mùa.
Và rồi cho đến tận năm 2018, Arsenal vẫn chưa giành thêm danh hiệu vô địch Ngoại hạng nào dù họ vẫn có đó một Arsene Wenger kiêu hãnh với đội bóng chơi đẹp tại Ngoại hạng. Nhưng chơi đẹp mà làm gì nếu mãi không chiến thắng, không vô địch?
Rất nhiều nguyên do chỉ ra, đó có thể do nguyên nhân chủ quan từ triết lý bóng đá tấn công của Arsene Wenger với sự tin dùng lớp trẻ quá mức; sự cân bằng tài chính, kiểm soát mức lương cầu thủ trong chừng mực có thể khiến các chân sút tốt phải ra đi; hay do hoàn cảnh bên ngoài khi bóng đá hiện đại đã đổi khác rất nhiều với sự thực dụng lên ngôi.
Nhưng đó một phần cũng do tham vọng và sự đầu tư quá mức vào sân bóng mới khi bỏ sân Highbury nhỏ và hẹp sang sân Emirates rộng rãi hiện đại hơn. Việc xây dựng sân vận động mới này đã khiến Arsenal trả giá rất nhiều, đội bóng này đã không còn đủ nguồn lực tài chính để mua thêm các khuôn mặt có chất lượng trên thị trường chuyển nhượng thế giới, thậm chí còn phải bán đi các chân sút tốt nhất của mình trong từng mùa giải để kiếm tiền trả nợ.
Và rồi việc gì đến cũng đến. Năm 2018, Arsene Wenger đã bị Arsenal sa thải sau khi thất bại trong việc giành vé dự Champions League 2 mùa liên tiếp.
Với một HLV đầy kiêu hãnh như Arsene Wenger, đây có thể là một sự phũ phàng đến kinh ngạc. 22 năm huấn luyện ở đây, chính ông là người đã đặt nền móng từng bước để Arsenal có diện mạo như hôm nay; là một khuôn mặt HLV vào hàng huyền thoại của Ngoại hạng với triết lý bóng đá có tầm ảnh hưởng khắp thế giới. Nhưng bất chấp những đóng góp đó, ông vẫn bị sa thải. Sự đau buồn đến mức, Arsene Wenger đã từng tuyên bố không bao giờ muốn quay lại sân bóng này để xem Arsenal thi đấu.
Nhưng rồi người đến sau ông, HLV Unai Emery cũng chẳng đóng góp gì nhiều cho một đội bóng nhiều bản sắc như Arsenal. Tháng 12/2019, Arsenal đã đưa HLV Mikel Arteta về thay cho Emery và đã từng bước đưa đội bóng trở lại vị trí hàng đầu Ngoại hạng. Điều đáng nói ở đây Mikel Arteta chính là đội trưởng một thời của Arsenal dưới thời Arsene Wenger.
Arsenal hiện nay như đang từng bước trở lại với chính mình. Đó vẫn là một đội bóng với lối đá chuộng tấn công, tin dùng cầu thủ trẻ, kết hợp tốt giữa cầu thủ trẻ và cầu thủ có kinh nghiệm, mỗi trận đấu như là một tác phẩm đẹp mang tính cống hiến cho người xem. Đến thời điểm này họ đang dẫn đầu Ngoại hạng với 54 điểm sau 23 trận đấu, hơn đội đứng nhì là Manchester City với 2 điểm nhưng thi đấu ít hơn 1 trận.
Như Arsene Wenger thổ lộ gần đây, rằng trong bóng đá một đội bóng luôn có lúc mạnh có lúc yếu, có lúc thăng lúc trầm. Arsenal cũng vậy. Nhiều người trên khắp thế giới yêu mến Arsenal vì đội bóng này còn hơn một đội bóng. Đó còn là hiện thân của một môn thể thao sống động, với niềm đam mê cuồng nhiệt, công bằng và lịch thiệp. Giá trị một đội bóng theo ông, không chỉ thể hiện ở kết quả đạt được, mà còn ở phong cách chơi và cách hành xử ở mọi lúc, mọi nơi.
Với Arsene Wenger, mọi đội bóng đều có một văn hóa riêng, văn hóa đó có thể bị lãng quên trong một giai đoạn nhưng rồi sẽ trỗi dậy. Việc Mikel Arteta được giao cầm quân, ông tin rằng các giá trị, tinh thần, phong cách chơi bóng đặc trưng của Arsenal từng có, sẽ sống lại.
Sau khi rời Arsenal, dù có biết bao lời mời chào từ khắp các CLB lớn tại châu Âu với mức lương khủng hấp dẫn, Arsene Wenger vẫn từ chối vì Arsenal luôn trong trái tim ông. Ông chỉ nhận một vị trí có liên quan đến bóng đá, đó là làm Giám đốc Phát triển bóng đá toàn cầu cho FIFA. Ông từng bày tỏ không có ý định trở lại với nghề HLV hay bất cứ công việc nào khác ở cấp CLB.
Gần đây, trước sự thi đấu khởi sắc của Arsenal, Arsene Wenger sau 4 năm rời CLB đã “bỏ qua” chuyện buồn cũ để quay lại sân Emirates dự khán một trận đấu của CLB. Có chút gì lạ lẫm khi ống kính quay hình ông ngồi trên khán đài xem bóng đá, vẫy tay chào lại mọi người khi họ hô vang tên ông.
Như ông từng nói, người ta không bao giờ nên hồi tưởng lại những chuyện tình cũ. Arsenal là chuyện tình của ông, là một phần quan trọng trong cuộc đời, trái tim, ký ức của ông, là nơi ông hiện thực hóa giấc mơ về bóng đá cho cuộc đời. Nhưng giờ ông đã không còn là người cần phải suy nghĩ về tương lai của Arsenal nữa, đã có một thế hệ kế tiếp làm việc này và đó là trách nhiệm của họ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin