Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Đại hội Thể thao của các quốc gia Đông Nam Á (The 2023 Southeast Asian Games hay SEA Games 2023) sẽ diễn ra tại Cambodia. Đến thời điểm này, các nước trong khu vực đang gấp rút chuẩn bị lực lượng để tranh tài trong đó có Việt Nam.
Môn võ dân tộc Bokator của người Cambodia được đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: Internet |
• CAMBODIA LẦN ĐẦU ĐĂNG CAI
Đây đã lần thứ 32 Đại hội Thể thao của các quốc gia Đông Nam Á được tổ chức tính từ năm 1959 lầu đầu diễn ra đến nay, nhưng đây là lần đầu tiên Cambodia đăng cai SEA Games trên quốc gia mình.
Thực ra, trước đây đã có 1 lần các quốc gia Đông Nam Á trao quyền đăng cai cho Cambodia, đó là vào năm 1963. Tuy nhiên, thời gian này chiến tranh đang xảy ra nên nước này đã phải hoãn lại. Phải 60 năm sau, Cambodia mới lại đăng cai.
Theo lãnh đạo quốc gia này, do phải tập trung tiền của xây dựng hệ thống hạ tầng từ giao thông, trường học, bệnh viện đến những công trình cấp thiết phục vụ người dân và phát triển đất nước nên Cambodia đã nhiều lần phải từ chối lời đề nghị của các thành viên khối ASEAN cho việc đăng cai SEA Games. Mãi những năm gần đây khi đã đủ tiềm lực, nước này mới nhận lời.
Việc đăng cai SEA Games lần này, như câu khẩu hiệu Cambodia đưa ra: “Thể thao sống trong hòa bình” (Sports live in peace). Đây chính là cơ hội để Cambodia giới thiệu ra thế giới bên ngoài một đất nước hòa bình, yêu thể thao, mọi quá khứ đen tối trên những cánh đồng chết nay đã được đẩy lùi, một tương lai tươi sáng đang chờ đón quốc gia này. Đây cũng là dịp để Cambodia thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá các phong tục, văn hóa truyền thống của đất nước xứ Chùa tháp.
Để chuẩn bị cho SEA Games 2023, quốc gia này đã cho xây dựng và nâng cấp hàng loạt các công trình thể dục thể thao (TDTT), cải tạo lại hệ thống giao thông thành phố Phnom Penh, trong đó có việc xây dựng sân vận động quốc gia mới nằm ở phía đông bắc thành phố này. Tổng chi phí cho việc tổ chức SEA Games 2023 theo một quan chức Cambodia, chừng vào khoảng 200 triệu USD.
Riêng sân vận động quốc gia mới có tên Morodok Techo được xây dựng trong dịp này, theo thiết kế, có đến 60 nghìn chỗ ngồi, tổng chi phí khoảng 157 triệu USD. Cùng với sân vận động là một tổ hợp thể thao đi cùng, trong đó có hệ thống bể bơi, sân tennis, đường chạy, nhà ở cho vận động viên (VĐV). Toàn bộ sân vận động và nhà thi đấu liên hợp này do Trung Quốc tài trợ và nhà thầu thi công cũng là của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, SEA Games 2023 diễn ra tại Phnom Penh và 4 địa điểm khác trong nước gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot, Kep. Đến thời điểm này, tất cả 11 quốc gia Đông Nam Á đều đã lên lịch trình để tham dự sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này bao gồm Brunei, East Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và chủ nhà Cambodia, trong đó đã có nhiều quốc gia thông báo số lượng VĐV tranh tài như Phillipines với 902 VĐV, Singapore với 572 VĐV.
Có tổng cộng 37 môn thể thao được tổ chức thi đấu tại kỳ Đại hội này, trong đó có những môn phổ biến trong vùng, những môn trên sân chơi Olympic thế giới, tuy nhiên, cũng có những môn đơn thuần chỉ là sản phẩm “quốc hồn quốc túy” của xử Chùa tháp như môn võ Bokator, môn võ Kun Khmer, môn cờ Ok Chaktrang (cờ ốc), với mục tiêu quảng bá văn hóa cho chủ nhà.
Dự kiến lễ khai mạc sẽ được tổ chức trong ngày 5/5, tuy nhiên, có nhiều môn thi đấu được tổ chức trước đó như bóng gậy (cricket), bóng đá, thuyền buồm, khúc côn cầu trong nhà. Sẽ có chừng 7.000 người tình nguyện được huy động tại Cambodia để phục vụ cho kỳ Đại hội này.
Theo lịch trình, ngọn đuốc SEA Games 32 sẽ đến Việt Nam trong hành trình đi qua các nước trong khu vực trong giữa tháng 3 này, được lưu giữ tại Đại sứ quán Cambodia 1 ngày và sau đó có lễ rước đuốc chính thức tại Hà Nội.
• THỂ THAO VIỆT NAM CHUẨN BỊ RA QUÂN
Theo Tổng cục TDTT, đoàn Thể thao Việt Nam đến Cambodia lần này sẽ có trên 700 VĐV, tranh tài trong 31 môn và phân môn. Con số tham dự này ít hơn nhiều so với 965 VĐV của SEA Games 31 - 2022 trên sân nhà Hà Nội vào năm ngoái khi đoàn Việt Nam lúc đó đăng ký thi đấu đầy đủ các nội dung của Đại hội. Chỉ tiêu đặt ra cho SEA Games 2023 năm nay phấn đấu giành được từ 100 - 120 huy chương (HC) vàng, đứng trong nhóm 3 dẫn đầu toàn đoàn.
Trước đó, tại SEA Games 31 - 2022, Thể thao Việt Nam với vị trí chủ nhà đã dẫn đầu toàn đoàn giành được 446 HC, trong đó có 205 HC vàng; đoàn thứ nhì là Thái Lan giành được 331 HC, trong đó có 92 HC vàng; đoàn xếp thứ 3 toàn đoàn là Indonesia với 241 HC, trong đó có 69 HC vàng. Thấp nhất là đoàn East Timor với 5 HC giành được, trong đó không có tấm HC vàng nào.
Theo các quan chức của Tổng cục TDTT, điểm thuận lợi của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 2023 lần này chính là việc các VĐV được tập luyện với cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt được xây dựng cho SEA Games 31. Tổng cục TDTT đã xác định các môn, nội dung có khả năng giành HC và tiến hành tuyển chọn VĐV, tìm các HLV giỏi đồng thời, thuê các chuyên gia nước ngoài để huấn luyện.
Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ nhưng như Tổng cục TDTT đánh giá, Thể thao Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực và cũng do nguyên nhân nước chủ nhà Cambodia đã không đưa vào chương trình thi đấu một số môn thể thao Olympic vốn là thế mạnh của Việt Nam lâu nay trên sân chơi này như bắn súng, bắn cung, đua thuyền, cờ vua, thể dục dụng cụ, Wushu, Futsal, thể hình, Kurash... Cùng đó, dù nhiều nội dung có thế mạnh của Thể thao Việt Nam tuy không bị loại, nhưng lại bị khống chế số lượng VĐV tham gia thi đấu.
Hiện, các đội tuyển Thể thao Việt Nam đang tích cực tập luyện tại 3 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, một số đội tuyển và các tuyển thủ khác cũng đang tập huấn hoặc thi đấu quốc tế để hoàn thiện về chuyên môn trước khi bước vào tranh tài.
Theo đánh giá, 3 quốc gia cạnh tranh vị trí dẫn đầu tại SEA Games 32 lần này nhiều khả năng vẫn là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, Malaysia và Singapore cũng đang có sự chuẩn bị rất tốt cho kỳ Đại hội này. Cùng đó, chủ nhà Cambodia cũng sẽ là một ẩn số khá thú vị khi nước này đã có thời gian dài gần chục năm chuẩn bị con người và cơ sở vật chất cho sự kiện lần đầu tiên đăng cai này. Họ cũng đưa vào chương trình thi đấu nhiều nội dung có thế mạnh của mình với số lượng lớn huy chương phân bổ, chẳng hạn như 2 môn võ Kun Khmer và Bokator trong đó có nhiều hạng cân nam nữ.
Cũng nói thêm một chút về “thông lệ” lâu nay của Đại hội Thể thao Đông Nam Á, đó là việc đưa vào các môn có thế mạnh, các môn dân tộc của chủ nhà vào chương trình thi đấu khi mình giành được quyền đăng cai. Chỉ cần có đủ số các quốc gia đăng ký tham dự là có thể tổ chức, thông thường tối thiểu là 4 quốc gia. Mục tiêu của việc này là để giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa quốc gia chủ nhà, tuy nhiên, nhiều chủ nhà đã tận dụng cơ hội này để đưa vào các nội dung mình có thể kiếm được HC nhiều nhất.
Như với Cambodia, môn võ dân tộc Bokator, được hình thành từ đòn thế chiến đấu của loài hổ, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới nên việc đưa môn võ này vào chương trình thi đấu có vẻ ổn, và môn này có đến 6 quốc gia đăng ký tham dự, gồm Việt Nam, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và chủ nhà Cambodia.
Nhưng với môn Kun Khmer khi đưa vào chương trình thi đấu đã gây tranh cãi dữ dội giữa chủ nhà Cambodia và Thái Lan. Trong tháng 1/2023, chủ nhà Cambodia tuyên bố bỏ môn “Muay Thái” ra khỏi chương trình và thay thế bằng môn võ “Kun Khmer”. Cambodia cho rằng môn Kun Khmer có nguồn gốc từ người Khmer. Tuy nhiên, Thái Lan cho rằng dù đổi tên nhưng đó vẫn chính là “Muay Thái”, nên họ sẽ tẩy chay, không thèm gửi VĐV môn này đến tham dự. Cambodia để đáp trả cũng tuyên bố sẽ không gửi vận động viên tham dự “Muay Thái” tại SEA Games 33.
Thật ra mọi việc có thể dễ dàng hơn nếu lấy tên môn võ này là Kickboxing - “vừa đấm vừa đá” thì có vẻ ổn, tuy nhiên, trong danh sách môn thi đấu tại Đại hội lên khuôn đến thời điểm này vẫn thấy ghi là “Kun Khmer”!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin