(LĐ online) - Với Chelsea lúc này, những đồng tiền mà ông chủ mới Todd Boehly bỏ ra chẳng khác nào “đổ sông, đổ bể”.
Chelsea “trắng tay” ở mùa giải đầy biến động (Ảnh: Telegraph) |
Tháng 5/2022, khi tiếp quản Chelsea, tỉ phú Todd Boehly đã gánh khoản nợ gần 1 tỷ USD trong quá trình tái cơ cấu đội bóng. Dân gian có câu, những lúc nguy khốn mới biết ai là bạn thực sự.
Và Todd Boehly chiếm trọn tình yêu của các cổ động viên đội chủ sân Stamford Brigde. Ông dang tay đón lấy một đội bóng gặp nhiều thử thách. Không chỉ vậy, vị tỉ phú này còn hào phóng liên tục bơm tiền để đội nhà nâng cấp lực lượng.
Chỉ trong 1 mùa giải, The Blues đã chi ra đến hơn 600 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Họ mua đến 16 tân binh ở hai kỳ chuyển nhượng. Đó là thứ tình cảm không gì đong đếm của ông chủ mới ở đội bóng Thủ đô London.
Và tất nhiên, ông xứng đáng được hưởng một chút thành quả từ sự đầu tư này mang lại. Tuy vậy, cuộc sống luôn có nhiều ngã rẽ bất ngờ. Chắc chắn, Todd Boehly không thể tính được đội bóng của ông lại có thành tích bết bát đến vậy.
Lần lượt Thomas Tuchels rồi Graham Potter rời đi, kèm theo đó là khoản đền bù không hề nhỏ. Thế nhưng, đổi lại, với The Blues là hai chữ trắng tay. Frank Lampard có khởi đầu tệ nhất của một HLV ở Chelsea trong suốt chiều dài hơn 100 năm tồn tại của đội bóng.
Ông toàn thua cả 4 trận. 4 trận đấu đó cũng nhấn chìm hy vọng nhỏ nhoi để tránh một mùa giải trắng tay. Chelsea đã bị loại ở Champions League, FA Cup. League Cup thuộc về Man United.
Ở Ngoại hạng Anh, họ mới có 39 điểm, kém Top 4 đến 17 điểm. Một sự tệ hại không thể thốt lên lời. Nó khiến trái tim những người yêu màu xanh ở London chìm trong thất vọng. Giờ đây, câu nói “đồng tiền đi liền khúc ruột” đang ngược với Chelsea.
Với họ, đồng tiền đứt từng khúc ruột. Hơn hết, người hâm mộ đội chủ sân Stamford Bridge hiểu rằng, mùa giải coi như bỏ đi. Những người lạc quan vẫn sẽ yêu đội bóng, tận hiến đến giây phút cuối ở mùa này.
Song, thật khó để đòi hỏi thứ cảm xúc tồn tại trước kết quả thất vọng. Tiếng lòng của người hâm mộ trỗi dậy trên khắp các diễn đàn. Họ bày tỏ sự đau khổ, buồn bã và bực tức. Không buồn, không bực tức sao được khi một đội bóng dành trọn cả tình yêu lại đi lạc lối.
Thứ bóng đá hiệu quả ngày nào bỗng chốc biến thành sự nhạt nhẽo, đơn điệu. Có yêu lắm, thương lắm mới bày tỏ cảm xúc như vậy. Điều này cũng dễ hiểu thôi khi con người cần có hỉ, nộ, ái, ố song hành.
Họ yêu đó, thất vọng đó nhưng rồi vẫn sẽ yêu lại từ đầu. Bởi thứ tình yêu dành cho bóng đá khó nói lắm. Và vấn đề của Chelsea ở giai đoạn cuối mùa giải này là phải làm thế nào để lấy lại niềm tin yêu từ người hâm mộ.
Có người hâm mộ, đội bóng sẽ sống, cơn bĩ cực rồi cũng qua. Nhưng khi người hâm mộ quay lưng, họ sẽ mất tất cả. Những ai làm bóng đá, xem bóng đá đều hiểu điều này.
Chelsea còn 7 trận đấu phía trước để minh chứng cho bản lĩnh, đẳng cấp của mình. Gạt sang một bên câu chuyện thứ hạng, bởi lẽ, tấm vé dự Champions League mùa tới với Chelsea đã là hư không. Nhưng, họ không được buông xuôi.
Xét về lý thuyết, The Blues có lịch thi đấu cực nặng giai đoạn cuối. Họ chạm trán 6/7 đội có những mục tiêu, tham vọng riêng. Đó là Arsenal và Man City đang đua vô địch; Man United, Newcastle đua Top 4 còn Bournemouth và Nottingham Forest cạnh tranh suất trụ hạng.
Song, nếu nhìn ở góc độ khác, đó là cơ hội để Chelsea chứng tỏ khả năng. Họ phải là người phán quyết, tạo ra sự kịch tính cho các cuộc đua kể trên bằng những trận đấu đẹp, thu về kết quả ấn tượng.
Nếu không, Chelsea đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Họ sẽ làm lại từ đầu ở mùa hè này. Nhưng, trước mắt, Frank Lampard, trong vai trò HLV tạm quyền, cần cho mọi đối thủ biết Chelsea là ai.
Khi không còn động lực đua tranh các vị thứ, đó cũng sẽ là cách họ giải tỏa áp lực cho bản thân. Nhưng, giờ đây, các cầu thủ Chelsea có tự cởi trói khỏi áp lực vô hình về kết quả thất vọng hay không mới là chuyện đáng bàn. Nó không hề đơn giản chút nào.
Tuy vậy, họ đều là những ngôi sao hàng đầu thế giới. Những lúc rơi vào tình cảnh oái ăm, mỗi cầu thủ cần tự biết làm gì, ứng xử ra sao để khẳng định vị thế ngôi sao.
Một mùa giải thất bại chưa phải là dấu chấm hết. Nhưng, nếu để mùa giải thất bại đó làm ảnh hưởng cả một quá trình thì nguy cơ lún sâu rất dễ xảy ra. Bài học nhãn tiền của Man United, Arsenal hay các ông lớn như AC Milan, Inter Milan vẫn còn nóng hổi. Giờ đây, Chelsea phải tự bứt ra áp lực vô hình đó.
Họ cần chứng minh, trong tương lai, đồng tiền của ông chủ Todd Boehly sẽ có giá trị từng đồng. Nó được cụ thể hóa bằng những kết quả trên sân cỏ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin