Ngẫm với nghề huấn luyện viên

HOÀNG SA 08:47, 08/04/2023

(LĐ online) - 13 huấn luyện viên (HLV) ở Ngoại hạng Anh mất việc khi mùa giải chỉ mới đi qua hơn 2/3 chặng đường. Một sự khốc liệt đáng kinh ngạc của nghề này.

Graham Potter và Julian Nagelsmann đều còn quá trẻ và cơ hội vẫn rộng mở với 2 HVL này. (Nguồn: Sky Sports)
Graham Potter và Julian Nagelsmann đều còn quá trẻ và cơ hội vẫn rộng mở với 2 HVL này. (Nguồn: Sky Sports)

HLV Đặng Trần Chỉnh, cựu thuyền trưởng CLB Bình Dương từng nói rằng: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm đến 3 chân”. Một câu nói đầy tính ẩn dụ. Rằng ở đó, HLV không có quyền tự quyết số phận của mình.
Họ bị chi phối bởi chính các cầu thủ, những người là học trò. Đâu đó, tính ẩn dụ này đúng với những gì xảy ra trong bối cảnh bóng đá thế giới vô cùng khốc liệt. Điển hình nhất là Julian Nagelsmann.
Nhà cầm quân sinh năm 1987 bị đá bay ghế chỉ vì không được lòng các học trò. Một nhóm 6 cầu thủ đứng đầu đã bật chính thầy của mình. Dù thành tích với Bayern Munich vẫn hết sức ấn tượng mùa giải này.
Hùm xám thắng đến 27, hòa 7 và thua 3 trên mọi đấu trường. Đó là ví dụ kinh điển cho sự bấp bênh của chiếc ghế nóng. Ở mọi hoàn cảnh, trong mọi đội bóng, mọi vấn đề đều có thể xảy ra.
Đặc biệt, trong cả một tập thể đầy rẫy ngôi sao, điều khó nhất là được lòng của tất cả. Làm sao để dung hòa các cá tính mạnh lại với nhau, là điều không hề đơn giản. Julian Nagelsmann bị cho là xui. Ông còn quá trẻ và quá ít danh hiệu để thu phục lòng quân.
Đó cũng là một kiểu đặc trưng ở nghề HLV. Bạn không chỉ giỏi là đủ. Ở đó, bạn cần là người biết cách khiến tất cả phải nể trọng. Một hành động nhỏ như sa thải HLV thủ môn của Nagelsmann cũng khiến ông mất việc.
Nếu Đức là môi trường bóng đá dễ chịu thì Anh lại là sự khắt nghiệt đến ngột thở. 13 HLV đã mất việc, bao gồm những tên tuổi lớn như Thomas Tuchel hay Antonio Conte. Họ ra đi vì thành tích bết bát của đội bóng.
Và thực sự, cái kết của những HLV này thật đắng lòng. Ai cũng biết, Chelsea là “cối xay” HLV. Sau Thomas Tuchel, Graham Potter vừa bị sa thải chỉ sau vài tháng cầm quân. HLV là một trong những nghề vô cùng áp lực và chịu sức ép lớn.
Họ có thể ở đỉnh cao danh vọng nhưng cũng chỉ thời gian ngắn sau là rơi xuống vực thẳm. Roberto Di Matteo cùng Chelsea vô địch Champions League nhưng rồi sang Hàn Quốc để làm thuyền trưởng của CLB Jeonbuk Hyundai Motors.
Hay như Jose Mourinho, thời đỉnh cao đã ở lại tại Porto, Chelsea hay Inter Milan. Giờ đây, ông vẫn đang tìm lại ánh hào quang xưa. Đó là điều hết sức bình thường trong thế giới bóng đá hiện đại.
Sự phát triển không ngừng của bóng đá đòi hỏi nhiều yếu tố vận động xung quanh. Một HLV phải đảm bảo thành tích trước tiên. Sau đó, họ phải có những mối quan hệ linh động. Và hơn hết, sức mạnh của đội bóng được duy trì cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Nếu nhìn theo lăng kính khắc nghiệt để thấy bản chất của nghề này thì cũng nhìn ở góc độ hào nhoáng nó mang lại. Điều đầu tiên, đó chính là tiền. Mức lương của các HLV không hề nhỏ; thậm chí cao hơn cả mặt bằng chung lương của các cầu thủ.
Tất nhiên, để đòi hỏi mức lương quá cao như Messi hay Ronaldo là điều khó có thể xảy đến. Nhưng, nhìn chung với mặt bằng bóng đá thế giới, lương của các HLV đã được cải thiện. Họ sống tốt với khoản thu nhập này. Chưa kể, sau khi mất việc, họ có thể nhận một khoản đền bù lớn.
Nó tùy thuộc vào giao kèo trong bản hợp đồng giữa các bên. Và đặc biệt, nghề HLV có sự hào nhoáng từ chính các CLB họ dẫn dắt. Không nhiều người biết Graham Potter trước đó nếu ông không đến Chelsea.
Julian Nagelsmann càng nổi bật khi ông đến Bayern Munich. Giờ đây, các nhà cầm quân này có thể tìm việc ở những đội bóng lớn một cách dễ dàng hơn.
Không chỉ HLV, bất kể ngành nghề nào cũng vậy. Nó luôn tồn tại giữa vinh quang và thất bại. Vấn đề với mỗi người là có biết trân trọng thất bại để hướng đến thành công hay lấy vinh quang để làm bàn đạp cho những mục tiêu xa hơn.
Bóng đá hiện đại không chỉ khắc nghiệt với HLV. Nó còn đòi hỏi mọi thành phần phải luôn vận động không ngừng và có sự lựa chọn khôn ngoan. Cách Ronaldo chịu nhún mình, sang Saudi Arabia thi đấu đủ để thấy, ngôi sao của bóng đá Bồ Đào Nha toan tính cỡ nào.
Anh có thu nhập cao ngất ngưỡng và liên tục phá vỡ giới hạn ghi bàn. Có thể nói, Ronaldo chưa hết thời nhưng đặt trong bối cảnh thi đấu ở các đội bóng hàng đầu châu Âu, anh khó ghi bàn ầm ầm như ở Saudi Arabia.
Thế nên, suy cho cùng, sự lựa chọn hợp lý bao giờ cũng mang đến kết thúc đẹp. Potter đã dừng lại câu chuyện cổ tích cùng Chelsea. Ông có thể chọn cho mình đội bóng mới. Nhưng, hãy như Ronaldo, biết mình ở đâu để tiến xa trong tương lai.
Nghề HLV cũng đòi hỏi sự lựa chọn mang tính khôn ngoan đó. Tiền, địa vị đã có, nhưng thứ tồn tại theo thời gian đó là thành tích. Ngoại hạng Anh càng khốc liệt thì đòi hỏi HLV càng giỏi, càng hay. Đó là điều tất yếu. Và khi bạn không đáp ứng đủ yêu cầu, cũng như mọi ngành nghề khác, ra đi là điều hiển nhiên. Vì thế, ngẫm có phần khắc nghiệt với nghề này nhưng lại hợp lý trong bối cảnh chung của xã hội.