Những người cao tuổi yêu vận động ở Bảo Lâm

VIẾT TRỌNG 05:48, 06/04/2023

Vì sức khỏe nên người cao tuổi ở Lộc An, Bảo Lâm đứng ra thành lập 1 CLB để tập dưỡng sinh trong nhiều năm nay. Thế nhưng, CLB dưỡng sinh này không chỉ có người cao tuổi đến tập mà còn thu hút cả lớp trẻ trong vùng đến cùng sinh hoạt.

Đội hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của Thôn 3, Lộc An, Bảo Lâm tại Gala và Giải Thể dục dưỡng sinh tỉnh Lâm Đồng mở rộng lần thứ 3 - năm 2023
Đội hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của Thôn 3, Lộc An, Bảo Lâm tại Gala và Giải Thể dục dưỡng sinh tỉnh Lâm Đồng mở rộng lần thứ 3 - năm 2023

“Chúng tôi biết dưỡng sinh này cũng lâu rồi, nghe bảo môn này phù hợp với người lớn tuổi, nâng cao sức khỏe, cũng muốn đi tập nhưng chưa có chỗ. Rồi lên mạng thấy người ta tập cũng dễ, biểu diễn đẹp lắm, thế là chúng tôi bắt đầu đi vận động mọi người trong thôn thành lập một nhóm dưỡng sinh để tập luyện cùng nhau”, bà Nguyễn Thị Bích, 59 tuổi, người Thôn 3 - Lộc An, Bảo Lâm cho biết.

Là một trong những thành viên đầu tiên và tích cực có mặt trong CLB Dưỡng sinh Thôn 3 - Lộc An từ những ngày đầu, bà Bích cho biết, CLB thành lập đến nay đã trên 5 năm, các thành viên chủ yếu là người trong thôn. 

“Hồi đầu đi từng nhà vận động cứ nghĩ là liệu mọi người có muốn tham gia hay không, vì thấy ai ai cũng bận rộn việc nhà, gia đình, con cháu. Có người khi đến vận động thì cũng ngần ngừ, bảo rằng mình lớn tuổi rồi đi tập làm chi; có người bảo để xem tình hình ra sao rồi mới quyết định. Nhưng CLB thành lập sau đó hoạt động rất vui nên mọi người dần tham gia; ban đầu chỉ có 6 người, nhưng đến nay đã trên 60 người rồi, chủ yếu là nữ”, bà Bích nói.

Điểm thuận lợi, theo bà Bích, là kinh tế trong vùng, trong Thôn 3 những năm gần đây cũng khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang nhiều; hầu hết những người lớn tuổi tham gia CLB có cuộc sống ổn định, con cái đã trưởng thành, lập gia đình riêng nên người lớn tuổi có nhiều thời gian chăm sóc cho mình hơn. “Chúng tôi tối nào cũng tập hợp tại hội trường thôn để tập, từ thứ Hai đến thứ Sáu, chỉ mở bài tập trong máy điện thoại rồi tập theo với nhau, đến thứ Bảy thì CLB tập buổi chiều, Chủ nhật không tập thì nếu ai có thời gian có thể tập trung chơi bóng chuyền hơi người cao tuổi cũng ngay sân của thôn rất vui ”, bà nói.

Điều tích cực nhất từ tập dưỡng sinh, theo bà Bích, chính là sức khỏe bà cũng như nhiều người nâng lên trông thấy. “Không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người lớn tuổi trong CLB đều thấy mình khỏe lên rất nhiều, có lẽ nhờ vận động đều đặn hằng ngày, bớt đau lặt vặt. Nhiều người trước đây thường trở trời xương khớp đau, nay cũng đỡ hẳn, rồi đau đầu mất ngủ cũng giảm bớt. Mọi người nhanh nhẹn, hoạt bát hơn nhiều. Con cái thấy thế cũng vận động các bậc cha mẹ tham dự CLB nên ngày càng đông”, bà Bích tươi cười.

Và còn một điểm đáng nói nữa mà bà Bích và những người cao tuổi tập dưỡng sinh nơi đây muốn nói với chúng tôi, đó là niềm vui sống. Bà bảo cứ mãi quẩn quanh ở nhà với chuyện mưu sinh, nhà cửa, con cái nhiều lúc cũng... “đau đầu lắm”. Nên khi CLB thành lập, nơi đây đã trở thành một địa điểm trong ngày để mọi người trong thôn có thể gặp gỡ, chia sẻ buồn vui. “Mọi người đến đây gặp gỡ, nói chuyện, cùng tập với nhau. Đi tập quen rồi, ngày nào ở nhà như thiếu gì, cứ mong đến bữa đi tập lại”, bà Bích chia sẻ.

Nhưng CLB không chỉ có nữ mà đến nay đã có các thành viên là nam; có đến 10 thành viên nam trong thôn cùng tham gia. Ông Bùi Đình Đua, 66 tuổi, một trong những thành viên nam của CLB cho biết: “Lúc đầu đến chỗ nữ không cũng thấy ngại, vì chỉ toàn chị em. Trong nhà thì vợ tôi tham gia trước, có bữa về bảo rằng CLB đang cần người biết diễn và tổ chức văn nghệ, biết chơi đàn để đi giao lưu, biểu diễn với các đội bạn trong tỉnh. Tôi suy nghĩ một quãng, đến thử thấy rất vui nên tham gia từ đó đến nay”.

Và không chỉ một mình ông tham gia, ông Đua đã trở thành thành viên nam tích cực vận động nam giới trong thôn tham gia, trước mắt là tham gia đội văn nghệ, rồi cùng tập dưỡng sinh. “Nam thì tập không dẻo bằng nữ vì các động tác dưỡng sinh đòi hỏi sự khéo léo, chậm rãi, nhưng nếu chịu khó mình cũng bắt kịp được”, ông Đua nói. 

Theo bà Đỗ Thị Lạng, 59 tuổi, trưởng nhóm tập dưỡng sinh Thôn 3 và nay là Chủ nhiệm của CLB, đến nay CLB hoạt động rất đều đặn và là một trong những điểm sáng về phong trào văn nghệ - thể dục thể thao của cộng đồng dân cư Thôn 3, Lộc An. 

“Ngày đó, tôi công tác tại Ban dân số của xã, đi nhiều nơi thấy có CLB dưỡng sinh dành cho người cao tuổi, hoạt động rất vui nên cũng nghĩ sao không vận động thành lập một CLB như thế ngay tại thôn mình. Thế là về tôi cùng một số chị em trong thôn đi từng nhà vận động. Nhất là từ khi nghỉ hưu đến nay tôi cũng tập trung nhiều để cùng mọi người đưa CLB dưỡng sinh này ngày càng phát triển hơn trước”, bà Lạng kể lại. 

Nhưng CLB Thôn 3 đến nay không chỉ có tập dưỡng sinh mà các thành viên trong CLB đã cùng đóng góp với nhau tạo thành một quỹ nhỏ để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn làm ăn; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. “Của ít lòng nhiều, nhiều người đóng góp thì thành nhiều; chúng tôi chia sẻ, giúp đỡ để mọi người trong thôn đoàn kết, tương trợ, quan tâm với nhau, phát triển tình làng nghĩa xóm”, bà cho biết. 

Và không chỉ có người cao tuổi mà trong CLB đến nay đã có không ít thành viên còn rất trẻ, thậm chí chỉ 18 tuổi cùng tham gia: “Không chỉ là CLB Dưỡng sinh mà chúng tôi lấy tên là “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau”, vì trong CLB có nhiều lứa tuổi, có những gia đình nhiều thế hệ cùng tham gia CLB. Hiện nay, bên cạnh đội dưỡng sinh người cao tuổi chúng tôi còn đội văn nghệ với rất nhiều thành viên trẻ, múa rất đẹp”, bà Lạng cho biết.

Trong năm nay, sau 5 năm thành lập, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của Thôn 3 - Lộc An, Bảo Lâm đã quyết định đăng ký tranh tài tại giải tỉnh. Đó là Gala và Giải Thể dục dưỡng sinh tỉnh Lâm Đồng mở rộng lần thứ 3 - năm 2023 vừa tổ chức trong tháng 3/2023 vừa qua tại Đà Lạt. Điều đặc biệt, CLB không chỉ đại diện cho xã Lộc An mà còn đại diện cho huyện Bảo Lâm. 

“Mặc dù nhiều lần tổ chức các chuyến giao lưu với các CLB trong tỉnh trong những năm qua nhưng mãi đến gần đây chúng tôi mới quyết định đăng ký tham gia giải tỉnh vì cũng ngại rằng lâu nay CLB chỉ tự tập với nhau là chính, đâu có thuê mướn huấn luyện viên về dạy, chưa có kinh nghiệm trong các cuộc thi lớn như thế. Lần này đi để học hỏi là chính”, bà Bích cho biết.

Để tham gia giải tỉnh, CLB đã chuẩn bị khá lâu, vận động mọi người cùng may đồng phục thi đấu. Để có kinh phí tham gia, CLB đã vận động các đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ, phần còn lại nếu còn thiếu, các thành viên trong đội tự bỏ tiền túi góp nhau.

Chính vì vậy, dù chỉ đoạt huy chương Đồng, đứng thứ ba trong một số nội dung của giải, nhưng các thành viên trong CLB cũng rất vui. “Chúng tôi qua giải cũng biết điểm mạnh, điểm yếu chỗ nào để về đội nâng cao trình độ chuẩn bị cho những năm đến”, bà Lạng nói. 

Và với bà Bích, ông Đua, bà Lạng và nhiều thành viên trong CLB mà chúng tôi có dịp gặp, cái chính là phát triển được phong trào tập luyện TDTT tại địa phương. “Giúp cho người cao tuổi và cho cả nhiều người trong thôn tìm thấy niềm vui trong tập luyện, trong vận động thân thể, sống khỏe sống vui, góp cho phong trào văn nghệ - thể dục thể thao địa phương thêm phát triển là chúng tôi vui rồi”, bà Lạng nói.