Lần đầu tiên, đoàn Thể thao Việt Nam đã dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được tổ chức ở một quốc gia khác.
Nguyễn Thị Oanh - VĐV giành nhiều HC vàng nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 |
• DẪN ĐẦU BẢNG TỔNG SẮP HUY CHƯƠNG
Với 355 huy chương (HC) giành được, trong đó có 136 vàng, 105 bạc và 114 đồng, đoàn Thể thao Việt Nam đã dẫn đầu bảng tổng sắp HC tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 32 vừa kết thúc thi đấu trong ngày 16/5 tại Cambodia.
Chính thức diễn ra từ ngày 5 - 17/5, Ban Tổ chức SEA Games 32 năm 2023 đã trao tổng cộng 2.038 HC cho các đội và cá nhân dẫn đầu của 11 đoàn thể thao các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tham gia tranh tài trong các môn thi đấu tại đây, trong đó có 584 vàng, 578 bạc và 876 đồng.
Đây là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam dẫn đầu bảng tổng sắp HC toàn đoàn tại 1 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á không tổ chức trên sân nhà. Hai lần trước, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp là vào các năm 2003 và 2022, khi SEA Games được tổ chức tại Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra cho Thể thao Việt Nam khi tham dự SEA Games 32 năm nay là giành từ 80 - 120 HC vàng và nỗ lực lọt vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Nhưng tại Đại hội, đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu rất tốt trong rất nhiều nội dung của các môn, hầu hết các VĐV đều lọt vào đến vòng chung kết để tranh chấp HC vàng và kết quả số HC vàng giành được nhiều hơn số HC bạc của đoàn.
Chỉ tính riêng trong ngày 16/5 - ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành thêm 12 HC vàng để củng cố vị trí dẫn đầu.
Theo thống kê, 3 môn mang nhiều HC vàng nhất cho Thể thao Việt Nam là môn lặn với 14 HC vàng, môn vật 13 HC vàng và môn điền kinh với 12 HC vàng. VĐV giành nhiều HC vàng nhất cho Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 lần này là Nguyễn Thị Oanh của môn điền kinh. Cô gái người Bắc Giang này đã cực kỳ xuất sắc dẫn đầu, giành cả 4 tấm HC Vàng trong cả 4 cự ly tranh tài gồm cự ly 1.500 m, cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật, cự ly 5.000 m và 10.000 m. Còn VĐV trẻ nhất giành được HC vàng lần này là Lê Khánh Hưng ở môn golf khi anh chỉ mới 15 tuổi.
Trong số HC vàng Thể thao Việt Nam giành được trên, có những tấm HC vàng đi vào “lịch sử”. Chẳng hạn như tấm HC Vàng của môn bóng bàn trong nội dung đôi nam nữ. 2 VĐV Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc đã giành HC vàng sau khi giành chiến thắng cặp đôi người Singapore là Clarance Zhe Yu Chew và Jian Zeng. Phải chờ đợi đến 24 năm kể từ tấm HC vàng đôi nam nữ của Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy ở SEA Games 1999, thì đến nay Bóng bàn Việt Nam mới lập lại được thành tích trong nội dung này. Hay như tấm HC Vàng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, đây đã là lần thứ tư đội bóng đá nữ Việt Nam giành được HC Vàng tại 4 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á liên tiếp gần đây.
Vẫn có những điều tiếc nuối tại Đại hội như việc các môn thể thao Olympic quan trọng là điền kinh và môn bơi không hoàn thành chỉ tiêu như mong đợi. Cùng đó là nỗi thất vọng khi đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam không lọt vào đến trận chung kết và chỉ giành được tấm HC Đồng. Tuy nhiên, với bóng đá, phải nói đội tuyển U22 Indonesia năm nay thi đấu với một tinh thần mạnh mẽ, bài bản, họ xứng đáng có mặt tại trận chung kết. Sau 32 năm chờ đợi, 4 lần vào chung kết nhưng chỉ toàn về nhì, Indonesia cuối cùng đã giành chiến thắng 5-2 trước Thái Lan trong trận chung kết đầy hỗn loạn những phút cuối để giành HC Vàng bóng đá nam SEA Games.
• BẢNG XẾP HẠNG
Sau đoàn Thể thao Việt Nam dẫn đầu, xếp thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương của Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 lần này là đoàn Thể thao Thái Lan. Họ giành được tổng cộng 312 HC trong đó có 108 vàng, 96 bạc và 108 đồng. Sau Thái Lan, xếp thứ 3 là đoàn Indonesia với 277 HC trong đó có 87 vàng, 81 bạc và 109 đồng.
Điều đáng nói, xếp thứ tư trong bảng chính là đoàn Thể thao của chủ nhà Cambodia. Họ giành được tổng cộng 281 HC trong đó có đến 81 HC vàng, 74 HC bạc và 126 HC đồng. Đây là số HC giành được nhiều nhất của quốc gia này trong các kỳ tham gia SEA Games từ trước cho đến nay. Mục tiêu của Cambodia trước khi tranh tài là phấn đấu đứng thứ 5 toàn đoàn, nhưng đến khi kết thúc Đại hội chủ nhà Cambodia đã xuất sắc vươn lên đến vị trí thứ tư. Bên cạnh các tấm HC vàng giành được từ các bộ môn thể thao truyền thống do chủ nhà đưa vào như cờ ốc, võ bokator hay Kun Khmer, Cambodia lần này cũng giành được không ít HC vàng ở các môn thi đấu khác như pencak silat, karate hay jujitsu…Trong đó có những tấm HC vàng mà trước đây chưa bao giờ giành được như tấm HC Vàng điền kinh do VĐV Chhun Bunthong giành được trong nội dung chạy 800 m nam.
Xếp từ thứ 5 đến thứ 10 trong bảng xếp hạng Đại hội là đoàn Thể thao Philippines với 260 HC trong đó có 58 HC vàng; kế tiếp là Singapore thứ 6 với 158 HC trong đó có 51 HC vàng; xếp thứ 7 là đoàn Thể thao Malaysia với 176 HC trong đó có 34 HC vàng; xếp thứ 8 là đoàn Myanmar 114 HC trong đó có 21 HC vàng; xếp thứ 9 là đoàn Lào với 88 HC trong đó có 6 HC vàng. Còn xếp thứ 10 là đoàn Brunei với 9 HC trong đó có 2 HC vàng.
Xếp cuối cùng trong bảng thành tích là đoàn Thể thao của Đông Timor. Dù nỗ lực rất lớn để giành được 8 HC nhưng trong đó họ đã không giành được bất kỳ tấm HC vàng hay tấm HC bạc nào.
• HƯỚNG ĐẾN SEA GAMES 33 - 2025 Ở THÁI LAN
Dù vẫn còn không ít những “hạt sạn” tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 năm 2023 lần này, tuy nhiên có thể nói với lần đầu đăng cai, Cambodia đã có những nỗ lực vượt bậc để có thể tổ chức một kỳ SEA Games trọn vẹn trên đất nước mình.
Khép lại SEA Games 32 trong thời điểm này, các quốc gia khu vực Đông Nam Á lại đang chuẩn bị tích cực cho việc tranh tài ASEAN Para Games 12 sắp đến tại Cambodia và cũng đồng thời hướng đến SEA Games 33 - 2025 tại Thái Lan trong 2 năm đến.
Dự kiến, SEA Games 33 - 2025 do Thái Lan đăng cai sẽ chính thức diễn ra từ ngày 9 - 20/12/2025 tại 3 thành phố của nước này gồm Bangkok, Chonburi và Songkla. Sẽ có 43 bộ môn thể thao tranh tài tại Đại hội lần đến, trong đó ưu tiên cho các môn thể thao Olympic. Ủy ban Olympic Đông Nam Á cũng cho biết, kể từ SEA Games 33 sắp đến, Ủy ban sẽ phân loại các môn tranh tài tại SEA Games thành 3 nhóm môn bao gồm các môn Olympic, các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD và các môn truyền thống với mục tiêu khuyến khích các quốc gia trong khu vực tập trung đầu tư nhiều hơn cho các môn thể thao Olympic để đưa VĐV của mình đến sân chơi châu lục và sân chơi thế giới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin