Đưa võ thuật cổ truyền đến với vùng chưa có phong trào

VIẾT TRỌNG 05:42, 15/06/2023

Một trong những nhiệm vụ mà Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng đặt ra cho nhiệm kỳ 2023 - 2028 đó  là đưa  võ cổ truyền đến với các vùng trong tỉnh nơi chưa có phong trào.

Một lớp tập huấn về côn pháp do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức trong năm 2021 tại Đà Lạt
Một lớp tập huấn về côn pháp do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức trong năm 2021 tại Đà Lạt

TRÊN 100 HUY CHƯƠNG QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ 

Có thể nói, nhiệm kỳ 2018 - 2023 vẫn tiếp tục là một giai đoạn thành công rực rỡ của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng khi mang về đến 102 tấm huy chương (HC) quốc gia và quốc tế cho thể thao Lâm Đồng. 

Để có thành tích này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực để xây dựng phong trào tập võ cổ truyền rộng khắp trong tỉnh. Hiện nay, đã có 11/12 huyện, thành phố có các phòng tập võ cổ truyền hoạt động (trừ huyện Đạ Tẻh - nơi trước đây cũng có một số điểm tập nhưng hiện nay đã ngừng hoạt động). 

Thống kê của Liên đoàn cho biết, toàn tỉnh có 36 điểm tập, phòng tập, võ đường với 2.373 võ sinh tập luyện hằng ngày. Liên đoàn hiện có 1 đại võ sư quốc tế 10 đẳng, 4 đại võ sư 8 đẳng,  9 võ sư cao cấp 7 đẳng, 22 võ sư 6 đẳng, 15 chuẩn võ sư 5 đẳng, 3 trọng tài cấp quốc gia và quốc tế. 

Như Đại võ sư Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng nhận xét, người dân Lâm Đồng từ thành thị đến nông thôn đều có truyền thống yêu thích võ thuật, trong đó có võ thuật cổ truyền.  “Võ thuật cổ truyền có truyền thống lâu đời, gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc, phong trào trong tỉnh cũng ngày càng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện khắp phường, xã đến các huyện, thành phố ít nhiều đều có phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền.

Đây là môn võ thuật phù hợp với chủ trương xã hội hóa TDTT của Nhà nước hiện nay. Điều đáng mừng, tuy địa bàn Lâm Đồng rộng, cách trở, đời sống của hầu hết các võ sư, huấn luyện viên, cũng như võ sinh còn không ít khó khăn nhưng luôn đoàn kết vì sự nghiệp chung, lòng nhiệt tình với phong trào qua thời gian vẫn không suy giảm”, ông cho biết.

Để phát triển phong trào, trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên đoàn đã tiếp tục duy trì các lớp tập huấn chuyên môn cho đội ngũ võ sư, HLV, hướng dẫn viên hằng năm; định kỳ mỗi năm 2 lần tổ chức thi thăng đai, giữa năm thi tại các huyện, cuối năm thi tại Đà Lạt. Liên đoàn cũng tham gia điều hành về mặt chuyên môn cho tất cả các giải võ thuật cổ truyền hằng năm do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức.
Cùng với đó, Liên đoàn cũng cử võ sinh tập luyện, thi đấu trong các giải  võ cổ truyền Xuân hằng năm; cử võ sư, HLV và môn sinh tập luyện để đồng diễn võ thuật tại lễ Khai mạc Đại hội TDTT của huyện và của tỉnh theo yêu cầu.

Với các giải toàn quốc hằng năm, Liên đoàn đều cử võ sư, HLV và võ sinh tranh tài; cử võ sinh tham gia giải quốc tế khi có cơ hội. Như trong năm 2019, Liên đoàn đã cử đoàn VĐV tham gia Giải Cúp Thế giới Võ thuật cổ truyền tại Marseille - Pháp; cử đoàn tham dự Giải Vô địch Thế giới tại Alger - Algeria, Bắc Phi năm 2022. Trong 102 HC giành được từ các giải quốc gia và quốc tế có 65 HC vàng, 14 HC bạc và 23 HC đồng.

Ngoài ra, Liên đoàn còn đảm nhận thi đấu cấp quốc gia các môn Kickboxing và Muay Thái cho Thể thao Lâm Đồng. Trong khoảng 5 năm từ 2018 - 2023 đã giành được 30 HC trong đó có 6 HC vàng trong môn Kickboxing và 1 HC bạc môn Muay Thái.

ĐỂ MÔN SINH TĂNG SỐ LƯỢNG

Như Liên đoàn đánh giá, dù duy trì được phong trào, nội bộ Ban Chấp hành và các phòng tập đoàn kết; võ sư, HLV có tinh thần trách nhiệm với các giải thi đấu trong tỉnh và trong nước, giữ vững được thành tích tại các giải quốc gia; tuy nhiên, số lượng võ sinh hiện nay vẫn chưa thật đông so với mặt bằng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tại các điểm hoạt động.

Một trăn trở rất lớn của Liên đoàn trong thời gian qua đó chính là việc chưa đưa được võ thuật cổ truyền vào trường học trong tỉnh do nhiều lý do dù tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn với sự tham gia của nhiều giáo viên phụ trách giáo dục thể chất trong các trường học trong tỉnh.

Một khảo sát của Liên đoàn cho thấy, dù các võ đường có vị trí thuận lợi ngay giữa trung tâm thành phố hay huyện, thị với đông đảo sinh viên, học sinh, chưa kể thanh, thiếu niên địa phương nhưng võ đường có số võ sinh cao nhất cũng chỉ khoảng 120 người, có võ đường chỉ có vài võ sinh. 

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 là đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để thu hút những người yêu thích võ cổ truyền tham gia tập luyện nhằm tăng số lượng hội viên và võ sinh trong tỉnh. Cùng với đó là nỗ lực để từng bước đưa được  võ cổ truyền vào học đường trong tỉnh. 

Liên đoàn cũng yêu cầu các võ đường, các phòng tập, điểm tập trong tỉnh thời gian đến cần tăng cường tính đoàn kết, đổi mới, giữ vững kỷ cương, hoạt động tích cực, tâm huyết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển phong trào. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Liên đoàn tại TP Đà Lạt trong cuối tháng 5/2023 vừa qua, võ sư Nguyễn Trần Diệu - Võ đường Tấn Gia Quyền, Cát Tiên cho rằng: “Nên luân phiên tổ chức tập huấn chuyên môn, tổ chức thi đấu giao lưu giữa các đơn vị trong toàn tỉnh cho các VĐV, các HLV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn theo quy chế của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã đề ra để cùng nhau tiến bộ và phát triển”. 

Liên đoàn dịp này đã đề nghị các võ đường tiếp tục củng cố tổ chức, tạo mối quan hệ tốt giữa các đơn vị, đề cao ý thức trách nhiệm, tác phong đạo đức của người dạy võ và học võ, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT tại địa phương, mở rộng hoạt động đến vùng sâu, vùng xa, đến các địa điểm chưa có phong trào trong tỉnh, đồng thời, phấn đấu tham gia tất cả các hoạt động, phong trào và chuyên môn trong tỉnh, cử VĐV tham gia tập luyện thi đấu quốc gia và quốc tế có thành tích. 

Liên đoàn trong thời gian đến, theo đại võ sư Trương Văn Bảo, cũng sẽ có các giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các đơn vị về thi đấu đối kháng và quyền thuật; thúc đẩy việc giao lưu, học hỏi giữa các đơn vị huyện, thành với nhau; phấn đấu tham gia tất cả các hoạt động phong trào và chuyên môn trong tỉnh; tích cực tham gia thi đấu các giải quốc gia và quốc tế. Đồng thời, Liên đoàn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, biên dịch, biên soạn, phổ biến các tài liệu khoa học võ thuật, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào võ thuật cổ truyền trên cơ sở bảo tồn những đặc trưng cơ bản của võ  thuật cổ truyền Việt Nam.