Vòng chung kết Cúp bóng đá nữ thế giới đang đến

VIẾT TRỌNG 00:04, 29/06/2023

Chỉ còn 20 ngày nữa vòng chung kết Cúp bóng đá nữ thế giới 2023 (2023 FIFA Women’s World Cup) tại châu Đại Dương với 2 quốc gia đồng đăng cai là Australia (Úc) và New Zealand sẽ đến, trong đó lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam có mặt tại giải. 

Một sân bóng đá tại New Zealand nơi đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thi đấu
Một sân bóng đá tại New Zealand nơi đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thi đấu

LẦN ĐẦU TIÊN CHÂU ĐẠI DƯƠNG ĐĂNG CAI 

Kéo dài trong vòng 1 tháng, từ ngày 20/7 đến 20/8, Vòng chung kết Cúp Bóng đá nữ thế giới 2023 (2023 FIFA Women's World Cup) hay là Giải Bóng đá nữ vô địch thế giới (tương tự FIFA World Cup của nam giới) sẽ diễn ra tại 2 quốc gia Úc và New Zealand. 

Đây là Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới lần thứ 9 do FIFA tổ chức tính từ năm 1991 - năm đầu tiên tổ chức giải đấu này tại Trung Quốc, cho đến nay. Theo thông lệ, FIFA sẽ tổ chức Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới 4 năm 1 lần. Tính từ năm 1991 đến nay, World Cup nữ đã được tổ chức ở 8 quốc gia khác nhau, trong đó Trung Quốc và Mỹ đã có 2 lần đăng cai, các quốc gia Thụy Điển, Đức, Canada, Pháp có 1 lần đăng cai, và trong năm nay là 2 quốc gia đồng đăng cai là Úc và New Zealand.

Với nước Úc và New Zealand, đây là một sự kiện thể thao lớn tầm cỡ thế giới cho cả 2 quốc gia ở Nam bán cầu này. Đây chính là kỳ World Cup nữ đầu tiên được tổ chức tại châu Đại Dương và cũng là lần đầu tiên được tổ chức đồng thời ở cả hai quốc gia. 

Với Úc thì nước này vẫn thường tổ chức các sự kiện lớn của thể thao thế giới, đặc biệt là giải quần vợt Australian Open - Grand Slam tổ chức tại thành phố Melbourne hằng năm thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài đổ về đây tham dự. Tuy nhiên, với New Zealand thì hoàn toàn khác. Đất nước này hầu như khá cách biệt với phần thế giới còn lại, cho nên giải đấu này là dịp để du khách quốc tế có thể đến đây để thăm một đất nước thanh bình và cực kỳ xinh đẹp này.

Còn với Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA, đây sẽ là Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên được tổ chức ở nhiều hơn một quốc gia và là giải đấu World Cup thứ hai được tổ chức như vậy, sau FIFA World Cup 2002 dành cho nam tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên được tổ chức ở Nam bán cầu; giải đấu cấp cao đầu tiên của FIFA được tổ chức ở châu Đại Dương và là giải đấu đầu tiên của FIFA được tổ chức trên nhiều liên đoàn (vì Úc thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á - AFC và New Zealand thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Đại dương - OFC). Nước Úc là quốc gia thứ hai của Liên đoàn Bóng đá châu Á vinh dự đăng cai Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới, sau Trung Quốc trong các năm 1991 và 2007.

• VIỆT NAM NẰM Ở BẢNG ĐẤU NÀO? 

Để có con số 32 đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tranh tài tại World Cup nữ 2023 năm nay, Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA đã phải tiến hành mở rộng từ từ từng bước. 

Năm đầu tiên khi tổ chức tại Trung Quốc, World Cup bóng đá nữ chỉ có 12 đội, sau đó mở rộng lên 16 đội. Tại World Cup bóng đá nữ năm 2015, FIFA cho tăng từ 16 lên 24 đội. Con số 24 đội này được duy trì tại World Cup bóng đá nữ thế giới 2019. Tháng 7/2019, FIFA đã quyết định có bước mở rộng tiếp theo khi nâng số đội tranh tài từ 24 đội lên 32 đội tại World Cup bóng đá nữ năm nay. 

Việc mở rộng này như đánh giá của FIFA, không chỉ phản ánh phong trào nữ quyền đang lên cao, đạt được những mức tiến bộ trên khắp thế giới mà còn phản ánh bóng đá nữ đang phát triển rất nhanh trên các châu lục. Việc mở rộng số đội tranh tài tại World Cup bóng đá nữ tạo điều kiện cho các thành viên các liên đoàn châu lục có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm 1 chiếc vé vào chơi vòng chung kết và chính việc này sẽ thúc đẩy và khuyến khích không nhỏ cho phong trào bóng đá nữ tại các khu vực, các quốc gia, cũng như tăng cường sự chuyên nghiệp hóa cho môn bóng đá nữ hiện nay.

Để có 32 đội này, FIFA đã phân bổ như sau: Liên đoàn Bóng đá châu Âu - UEFA được 11 suất, Liên đoàn Bóng đá châu Á - AFC có 6 suất; Liên đoàn Bóng đá châu Phi - CAF có 4 suất; vùng Bắc, Trung Mỹ và Caribe - CONCACAF cũng 4 suất; Nam Mỹ - CONMEBO có 3 suất; châu Đại Dương - OFC chỉ 1 suất; còn 3 suất còn lại là vòng tranh vé vớt (play-off) liên lục địa.

Để đến được đây, 30 đội đều phải vượt qua vòng loại, cộng với 2 đội chủ nhà đăng cai là Úc và New Zealand. Trong số này cùng với sự góp mặt lần đầu của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại một kỳ World Cup bóng đá nữ còn có 7 đội tuyển bóng đá nữ quốc gia khác cũng lần đầu tham dự gồm Maroc, Philippines, Zambia, Cộng hòa Ireland, Haiti, Bồ Đào Nha và Panama. 

32 đội này được chia thành 8 bảng, mỗi bảng 4 đội, trong đó bảng A gồm New Zealand, Na Uy, Philippines và Thụy Sĩ; bảng B gồm Úc, Nigeria, Cộng hòa Ireland và Canada; bảng C gồm Tây Ban Nha, Costa Rica, Zambia và Nhật Bản; bảng D gồm Anh, Haiiti, Đan Mạch và Trung Quốc; bảng E gồm Mỹ, Việt Nam, Hà Lan và Bồ Đào Nha; bảng F gồm Pháp, Jamaica, Brazil và Panama; bảng G gồm Thụy Điển, Nam Phi, Italia và Argentina; bảng H gồm Đức, Maroc, Colombia và Hàn Quốc.

Theo điều lệ, tất cả các đội trong bảng sẽ đấu vòng tròn, chọn 2 đội dẫn đầu vào vòng 1/16 để đấu loại trực tiếp, đội nào thắng sẽ tiến vào các vòng tứ kết, bán kết và chung kết. Tổng cộng có 64 trận đấu, diễn ra trên 10 sân vận động thuộc 9 thành phố trải rộng trên 2 nước Úc và New Zealand. 

Theo lịch đã công bố, lễ khai mạc sẽ diễn ra tại sân Eden Park, thành phố Auckland của New Zealand trước khi trận đấu giữa đội chủ nhà New Zealand với Na Uy diễn ra. Còn trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 20/8/2023 tại sân vận động Australia, thành phố Sydney của Úc.

Theo lịch phân bổ của Ban Tổ chức, tại vòng loại, 4 bảng A, C, E, G sẽ thi đấu ở New Zealand tại các sân vận động tại các thành phố Auckland, Dunedin, Hamilton và Wellington; còn 4 bảng B, D, F, H sẽ thi đấu ở Úc tại các sân vận động của các thành phố Adelaide, Brisbane, Melbourne, Perth và Sydney. Điều này có nghĩa đội Việt Nam tại bảng E sẽ thi đấu tại New Zealand trong cả 3 trận tại vòng bảng. Cần biết rằng Nam Bán cầu thời điểm này đang là mùa đông, trời khá lạnh. 

Về giải thưởng, năm nay FIFA đã tăng mức tiền thưởng của giải lên 110 triệu USD, tăng hơn 80 triệu USD so với World Cup bóng đá nữ 2019 tổ chức tại Pháp lần trước đó. Trong đó, các đội khi hoàn tất xong vòng bảng nếu bị loại cũng được thưởng 1,56 triệu USD; đội nào đến vòng 16, được thưởng 1,87 triệu USD; đội nào lọt đến vòng 1/8 được thưởng 2,18 triệu USD, đội nào đứng tư nhận 2,456 triệu USD; đội đứng ba nhận 2,61 triệu USD; đội đứng nhì nhận 3,014 triệu USD còn đội vô địch nhận 4,29 triệu USD.

Cùng đó, các cầu thủ khi có mặt tại giải tùy theo mức thành tích của đội đều có tiền thưởng cho từng cá nhân. Chính nhờ sự quan tâm của công chúng về World Cup bóng đá nữ nhiều hơn trong những năm gần đây cùng số vé được bán ra khá nhanh tại giải năm nay nên FIFA tăng số tiền thưởng cho các cầu thủ dự giải. Cụ thể, từ 14 nghìn USD như tại World Cup 2019, trong năm nay Ban Tổ chức thông báo mỗi nữ tuyển thủ dự giải từ vòng bảng sẽ nhận 30 nghìn USD, còn đội tiến sâu hơn thì mức thưởng sẽ cao hơn. 

Sẽ rất khó cho tuyển nữ Việt Nam tại bảng E vì nằm trong một bảng đấu toàn các đội mạnh. Mỹ hiện là đương kim vô địch của giải liên tiếp 2 kỳ World Cup 2015 và World Cup 2019 đến nay. Hà Lan và Bồ Đào Nha là các đội châu Âu có thể lực và chiều cao tốt hơn nên cũng không dễ để vượt qua .Tuy nhiên, đã có mặt đến đây đã là một thành công rất lớn, các cô gái Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ một áp lực nào để tự vượt mình lên cho những trận đấu để đời.