Bên cạnh bóng đá và bơi lội, gần đây, bóng rổ đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều phụ huynh cho con em trong kỳ nghỉ hè. Nhờ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, bộ môn này đã góp phần nâng cao hiệu quả Phong trào Thể dục, thể thao tại Đà Lạt.
Môn bóng rổ thu hút nhiều lứa tuổi |
Mỗi sáng Chủ nhật, sân Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh trở nên náo nhiệt hơn thường lệ với sự xuất hiện của các bạn học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Bóng rổ Dalat Highlanders đến tập luyện. Sau phần khởi động, các bạn nhỏ, với nhiều lứa tuổi khác nhau, chăm chú nghe hướng dẫn và tập luyện các kỹ năng, động tác cơ bản của bóng rổ. Nhiều bạn hào hứng thực hiện linh hoạt các động tác cầm bóng và ném bóng, ghi điểm từ nhiều góc độ và tình huống khác nhau.
Dù mới làm quen với bóng rổ từ cuối năm 2022, nhưng em Lê Vũ Gia Bảo (14 tuổi), học sinh Trường THCS Quang Trung, đã cho thấy những pha dẫn bóng chạy và ném bóng vào rổ thuần thục. Gia Bảo chia sẻ, em biết đến bóng rổ nhờ các bạn học cùng lớp và quyết định theo học, tập luyện môn thể thao này để rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng sau giờ học. “Sau một thời gian chơi, em thấy môn thể thao này thực sự bổ ích, giúp nâng cao sức khỏe, sức bền, độ nhanh nhạy cũng như rèn luyện về tinh thần”, Gia Bảo nói.
Không kém phần ấn tượng, Lê Vũ Gia Hưng (9 tuổi), Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cũng đã có thể dẫn bóng chạy và ném bóng vào rổ khá thành thạo. Gia Hưng cho biết, bố mẹ em khi biết bóng rổ có thể giúp giảm cân, tăng chiều cao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nên đã khuyến khích em theo học. Em đã tập luyện môn thể thao này được gần 6 tháng với 4 buổi học mỗi tuần. “Sau một thời gian học bóng rổ, em thấy rất thích môn thể thao này, học rất vui và vui nhất là khi em ném được bóng vào rổ”, Gia Hưng chia sẻ.
Anh Bùi Nguyễn Minh Quân - Chủ nhiệm CLB Bóng rổ Dalat Highlanders cho biết, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhận thấy nhu cầu luyện tập bóng rổ của học sinh Đà Lạt khá cao, năm 2022, anh quyết định rời TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt để thành lập CLB với mong muốn truyền tải tình yêu bóng rổ cho các bạn trẻ nơi đây. Ban đầu, CLB chỉ có khoảng 7 học viên tham gia, nhưng chỉ một thời gian đi vào hoạt động, hiện nay, số học viên học thường xuyên đã tăng lên 30 người - chủ yếu là học sinh, sinh viên, đa dạng các lứa tuổi, từ 6 đến 23 tuổi.
"Có thể nói, bóng rổ giúp trẻ cải thiện từ thể chất đến rèn luyện tư duy, tinh thần; là môn thể thao lý tưởng trong dịp hè, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội"
Anh Quân cho rằng, bóng rổ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nhưng hấp dẫn, và để học được môn thể thao này, người học cần có tính kiên trì, siêng năng, rèn luyện khả năng tập trung cao để tiếp thu được các kỹ năng mà các huấn luyện viên truyền đạt. Ngoài ra, khả năng quan sát cũng là một yêu cầu quan trọng đối với việc xem và thực hiện bài tập.
Bóng rổ mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho người chơi, từ tăng cường phản xạ, phát triển tư duy, khả năng phán đoán, sự khéo léo, linh hoạt; giúp phát triển chiều cao, sức bền... Ngoài ra, môn thể thao này còn giúp phát triển kỹ năng làm việc đội, nhóm, tinh thần đồng đội, kỹ năng lãnh đạo.
Với mục tiêu phát triển phong trào bóng rổ, CLB Bóng rổ Dalat Highlanders đang tập trung đào tạo nhiều lứa tuổi; từ đó, sàng lọc, tuyển chọn những bạn có tố chất và năng lực để thành lập đội tuyển. Khi đạt đến trình độ nhất định, CLB sẽ tham gia thi đấu tại các giải tỉnh và quốc gia. Đồng thời, CLB cũng không ngừng nâng cao chất lượng thông qua việc cập nhật và xây dựng giáo trình huấn luyện bóng rổ hợp quy chuẩn.
Qua khảo sát, hiện các trường tại TP Đà Lạt có sân bóng rổ như: Trường THPT Bùi Thị Xuân, THCS và THPT Chi Lăng, THPT Trần Phú; Đại học Yersin, Đại học Đà Lạt... Tuy nhiên, việc phát triển bóng rổ ở TP Đà Lạt còn gặp một số hạn chế về tiện nghi, trang thiết bị... Đặc biệt là mái che, điều này được xem là trở ngại lớn cho việc tập luyện của các cầu thủ bóng rổ, do Đà Lạt có mùa mưa kéo dài. Ngoài ra, việc giao lưu thi đấu, tập huấn ít được quan tâm dẫn đến thực tế là các cầu thủ chưa có nhiều cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên môn bóng rổ còn quá ít và hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giảng dạy, tập luyện, phần lớn là kiêm nhiệm.
Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên bóng rổ và mời gọi đầu tư, tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các giải bóng rổ học đường, bóng rổ trẻ... Đặc biệt, địa phương cần nâng cấp cơ sở vật chất sân bãi, xây dựng sân bóng rổ có mái che.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, những năm qua, bóng rổ đang dần trở thành môn thể thao phổ biến và phát triển trong cộng đồng thể thao Đà Lạt. Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực từ các CLB cùng những người yêu thích môn thể thao này, hy vọng môn bóng rổ sẽ tiếp tục phát triển và góp phần trong việc rèn luyện toàn diện cho thế hệ trẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin