Khi sân bóng bầu dục trở thành sân bóng đá

VIẾT TRỌNG 06:52, 13/07/2023

Cả 3 sân vận động đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu ở New Zealand tại World Cup bóng đá nữ 2023 lần này đều là sân dành cho thi đấu bóng bầu dục và là sân nhà của các đội bóng bầu dục của quốc gia này nhưng được bố trí lại để chơi bóng đá.

Sân Waikato khi được chuyển đổi thành sân bóng đá
Sân Waikato khi được chuyển đổi thành sân bóng đá

TRONG THẾ GIỚI CỦA BÓNG BẦU DỤC

Có rất nhiều nét tương đồng giữa bóng bầu dục (rugby, chơi bằng quả bóng hình bầu dục, chơi cả tay lẫn chân) và bóng đá (football – chơi bằng quả bóng tròn, chỉ dùng chân, trừ thủ môn) hiện nay.

Trước nhất, cả 2 môn này đều có một lịch sử rất lâu đời, đều ra đời từ nước Anh sau đó lan rộng ra khắp thế giới. Bóng bầu dục ra đời năm 1823 tại thành phố Rugby, Warwickshire, cho đến nay, môn chơi này vẫn mang tên của thành phố mình sinh ra. Cả 2 môn này đều thi đấu trên sân cỏ với 2 đội bóng, cũng với thời gian thi đấu gần giống nhau, đều có những luật chơi, có các hội đoàn quốc gia và quốc tế để vận hành. Với bóng đá thì đó là Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), còn với bóng bầu dục thì đó là World Rugby (WR).

Cần biết rằng, rất dễ lẫn lộn giữa bóng bầu dục và bóng đá hiện nay, vì ở nhiều quốc gia như Mỹ, Úc và cả New Zeland chẳng hạn, khi nói đến bóng đá thì người dân nơi đây lại nghĩ ngay đến môn bóng bầu dục vì “rugby” cũng được gọi là “rugby football”, còn nếu là bóng đá chỉ chơi bóng bằng chân thì phải gọi là “soccer”.

Bóng bầu dục có 2 hình thức thi đấu, gồm bóng bầu dục liên minh (rugby league) và bóng bầu dục liên hiệp (rugby union). Cả 2 hình thức này khá tương đồng, đều được tổ chức thi đấu trên sân cỏ có kích thước dài 95 - 100 m, rộng 65 - 68 m; cuối sân có một khung thành hình chữ H cao từ 3,5 - 6,1 m, rộng 5,65 m, xà ngang cao 3 m.

Tuy nhiên, trong bóng bầu dục liên hiệp, mỗi đội sẽ có 15 người, các cầu thủ trong đội có nhiệm vụ đưa bóng tới phần sân sau vạch khung thành hoặc sút bóng vào khung thành đối phương để ghi điểm. Nếu bóng được đưa đến sau vạch cầu môn sẽ được tính 5 điểm và sau đó đội có thêm quyền sút bóng lọt khung thành trên xà để nhận thêm 2 điểm. Nếu đá bóng (đá trực tiếp hoặc đá phạt) bay lọt khung thành phía trên xà sẽ được tính 3 điểm. Khác với bóng đá, các cầu thủ bóng bầu dục được dùng cả tay và chân, nếu chuyền bóng bằng tay, cầu thủ chỉ được chuyền về phía sau, còn nếu đá bằng chân, cầu thủ được chuyền đi mọi hướng.

Với bóng bầu dục liên minh, mỗi đội chỉ có 13 người, cách thức thi đấu cũng giống với bóng bầu dục liên hiệp, tuy nhiên cho phép các đội được được đè cầu thủ để ghi điểm. Nếu sau 6 lần đè, đội chưa thực hiện pha ghi điểm nào, bóng được chuyển bên. Cùng đó, sút trên xà trực tiếp sẽ chỉ được 1 điểm thay vì 3 điểm như bóng bầu dục liên hiệp, còn đá phạt sẽ được 2 điểm. Đưa được bóng xuống cuối sân sẽ chỉ được tính 4 điểm còn quả sút cầu môn đối phương sau đó vẫn tính 2 điểm.

Cũng như bóng đá, bóng bầu dục rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như ở Nam Mỹ có Argentina, Chile, Colombia, Uruguay; ở Bắc Mỹ có Mỹ, Canada; ở châu Âu có Anh, Pháp, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha; châu Phi có Nam Phi; ở châu Á có Nhật; châu Đại Dương có Úc, New Zealand cùng nhiều đảo quốc chung quanh như Fiji, Tonga… Tại các quốc gia này, bóng bầu dục liên hiệp rất được ưa chuộng, tuy nhiên, bóng bầu dục liên minh cũng rất phát triển tại Australia, New Zealand và Papua New Guinea.

Theo thống kê, hiện tổ chức Bóng bầu dục Thế giới (WR) có đến 119 liên đoàn thành viên, trong đó có 101 thành viên chính thức và 18 quốc gia thành viên dự khuyết với trụ sở được đặt tại Dublin, Ireland. Cũng như FIFA, định kỳ WR tổ chức giải Vô địch Rugby thế giới cùng nhiều giải đấu khác như vô địch Rugby nữ thế giới, vô địch Rugby bảy người thế giới cùng nhiều giải đấu khác.

Từ năm 1987, Rugby World Cup của WR được tổ chức 4 năm 1 lần với sự tham gia của các đội tuyển bóng bầu dục liên hiệp các quốc gia. New Zealand cho đến nay là đội giành nhiều chức vô địch nhất với 3 lần vào các năm 1987, 2011 và 2015; Úc từng vô địch 2 lần vào các năm 1991 và 1999; Nam Phi cũng vô địch 2 lần vào 1995 và 2007; Anh được 1 lần giành vô địch vào năm 2003.

SÂN BÓNG BẦU DỤC TRỞ THÀNH SÂN BÓNG ĐÁ

Cả 3 sân đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu tại vòng bảng World Cup bóng đá nữ 2023 lần này ở New Zealand đều là sân của bóng bầu dục với các đội bóng bầu dục chọn làm sân nhà.

Thật ra, cũng không quá khó để làm việc chuyển đổi này vì diện tích sân của 2 môn bóng đá và bóng bầu dục không quá cách biệt nhau. Theo yêu cầu, với các sân bóng đá thi đấu quốc tế, chiều dài sân tối thiểu 100 m, tối đa 110 m; chiều rộng sân tối thiểu 64 m, tối đa 75 m, như thế chỉ cần thay cầu môn trên sân bóng bầu dục, điều chỉnh một số hạng mục và kẻ lại vạch sân là được.

Như sân Eden Park tại Auckland chẳng hạn. Là sân vận động lâu đời và lớn nhất của của New Zealand hiện nay với trên 40.500 chỗ ngồi, Eden Park là nơi tổ chức trận khai mạc World Cup bóng đá nữ 2023 giữa đội tuyển New Zealand và đội tuyển Na Uy, cùng với 8 trận đấu khác, bao gồm 6 trận vòng bảng, 1 trận vòng 16 đội, 1 trận tứ kết, 1 trận bán kết. Đội tuyển Nữ Việt Nam sẽ gặp đương kim vô địch Mỹ vào lúc 8 giờ (giờ Việt Nam) ngày 22/7 tại đây.

Eden Park được xây dựng vào năm 1900, ban đầu được dành cho bóng bầu dục, hiện là sân nhà của đội bóng bầu dục All Blacks nổi tiếng của New Zealand. Sân đã từng tổ chức các sự kiện về bóng bầu dục lớn của nước này như các trận chung kết vô địch Rugby thế giới các năm 1987, 2011; chung kết Rugby nữ thế giới 2021. Từ năm 2011, sân được chuyển đổi khi cần để có thể dùng cho cả các trận bóng đá tại đây.

Tương tự, sân vận động Waikato cũng là một sân dành cho bóng bầu dục, cần thì chuyển thành sân bóng đá. Nằm tại thành phố Haminton, cách Auckland khoảng 1 giờ 30 phút đi ô tô, sân sận động này được xây dựng vào năm 2002 với kinh phí xây dựng sân khoảng 18 triệu USD, có sức chứa trên 26 nghìn chỗ ngồi; từng là nơi đăng cai Giải Bóng bầu dục Rugby World Cup 2011 và Giải Rugby League World Cup 2017. Hiện, sân này đang sân nhà của 2 câu lạc bộ Rugby là Chiefs và Waikato. Khi được chuyển sang sân bóng đá, Waikato đã được dùng để đăng cai Giải U17 World Cup nữ năm 2008; Giải U20 World Cup năm 2015.

Trước khi đăng cai các trận đấu World Cup nữ 2023, Waikato từng tổ chức các trận vòng tranh vé vớt (play-off) của giải này, nơi đội tuyển nữ Bồ Đào Nha đã giành được quyền dự Vòng chung kết. Tại Vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023, sân vận động Waitako là nơi tổ chức 5 trận đấu vòng bảng, trong đó có trận Việt Nam gặp Bồ Đào Nha vào lúc 14 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 27/7.

Sân Forsyth Barr tại thành phố Dunedin của New Zeland, nơi có đội Việt Nam thi đấu cũng là một sân bóng bầu dục được chuyển đổi sang sân bóng đá khi cần.

Được khởi công xây dựng vào năm 2009, khánh thành năm 2011 với chi phí xây dựng hơn 120 triệu USD, Forsyth Barr có sức chứa hơn 24.200 chỗ ngồi. Đây là sân cỏ tự nhiên có mái che duy nhất của New Zealand. Sân được chọn làm sân nhà của 2 câu lạc bộ Rugby là Otago và Highlanders, từng được New Zealand tổ chức các trận đấu tại Rugby World Cup 2011.

Tại Vòng chung kết World Cup nữ 2023 năm nay sẽ có 6 trận đấu vòng bảng tại sân Forsyth Barr trong đó có trận Việt Nam gặp Hà Lan trong lượt cuối bảng E diễn ra lúc 14 giờ ngày 1/8. Trong thời tiết mùa đông lạnh và có mưa, việc thi đấu ở sân có mái che là một thuận lợi với bất cứ đội tuyển nào.