Đưa Muay vào trường học ở Thái Lan

VIẾT TRỌNG 01:56, 19/10/2023

Trong chuyến công tác của Hội Nhà báo Lâm Đồng đến tỉnh Kanchanaburi của Thái Lan, chúng tôi đã có dịp đến thăm 1 trường học có đưa môn võ dân tộc Muay Thái vào dạy trong học đường.

 

Nằm ở miền Trung - Tây đất nước chùa Vàng, sát biên giới với Myanmar, tỉnh Kanchanaburi có diện tích khoảng 19.400 km2 (gấp đôi diện tích Lâm Đồng với trên 9.773 km2) nhưng dân số chỉ khoảng 900 nghìn người. Đây là tỉnh rộng thứ 3 trong các tỉnh tại Thái Lan, chỉ sau 2 tỉnh Nakhon Ratchasima và Chiang Mai.

Tỉnh Kanchanaburi có rất nhiều rừng với tổng diện tích rừng che phủ lên đến 61,9% tổng diện tích đất. Nhiều rừng nên nơi đây có đến 7 công viên quốc gia, 2 khu bảo tồn động vật hoang dã. Những dải rừng nơi đây cũng là nơi bắt nguồn 2 con sông lớn của Thái là Kwae Yai và Kwae Noi (gọi theo tiếng Anh là sông Kwai - rất nổi tiếng với bộ phim và bài hát “Cầu sông Kwai”), 2 con sông này hợp nhau ngay tại khu vực thành phố là trung tâm của tỉnh này cũng có tên là Kanchanaburi để hình thành nên dòng sông Mae Klong. 

Từ Bangkok đến tỉnh Kanchanaburi chừng 130 km, chừng 3 giờ đồng hồ xe chạy, đến thành phố Kanchanaburi thì lâu hơn chút. Đường sá ở Thái rất tốt, hầu hết các tỉnh nối nhau thông qua hệ thống cao tốc với 2 làn đường mỗi bên. Đường đến tỉnh Kanchanaburi 2 bên đường là những cánh đồng mía bạt ngàn, đồng bằng như mênh mông, trải dài ngút tầm mắt. Chỉ khi gần đến thành phố Kanchanaburi mới thấy các dãy núi xanh vươn cao phía xa. 

Các học sinh - học viên Muay của Trường Visut tập luyện và thi đấu biểu diễn
Các học sinh - học viên Muay của Trường Visut tập luyện và thi đấu biểu diễn

Thành phố Kachanaburi khá rộng, thanh bình bên những con sông và kênh rạch với các cây cầu nối nhau 2 bờ, những ngôi chùa trong khắp thành phố. Tại chiếc cầu kính ven con sông lớn Mae Klong của thành phố Kanchanaburi có thể nhìn thấy toàn cảnh hợp long của 2 con sông Kwae Yai và Kwae Noi để tạo nên con sông rất rộng chảy ven thành phố này, một bên là 1 con sông nước trong, một bên là con sông có nước màu vàng nặng phù sa hợp lại trong một vùng có rất nhiều nhà bè là những quán ăn trên sông. Con sông lớn này có rất nhiều cá nước ngọt nên thành phố Kanchanaburi cũng nổi tiếng về các món cá nước ngọt, dọc theo các con phố trong thành phố này thỉnh thoảng chúng tôi thấy các bảng tên đường phố được làm theo hình một con cá với tên đường lên trên. Theo Tỉnh trưởng Kanchanaburi, mỗi năm tỉnh này đón khoảng 13 triệu lượt khách đến thăm tỉnh, chứng tỏ họ làm du lịch rất tốt.  

Trường Visuttharangsi (hay Visut theo cách gọi ngắn) nơi chúng tôi đến thăm, nằm trong khu vực trung tâm thành phố Kanchanaburi. Đây là một ngôi trường công lập rất lớn, được thành lập từ năm 1904, có truyền thống lâu đời, gần 200 giáo viên dạy học với trên 4.100 học sinh đang theo học trong năm học này trong cả 2 cấp học (gồm secondary và upper-secondary ) tương đương ở Việt Nam là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, tại Thái Lan, các bậc học có khác Việt Nam, cấp trung học cơ sở bắt đầu từ lớp 7 nên Trường Visut có các lớp học từ lớp 7 đến lớp 12. 

Theo thầy giáo Mattapol Kamerdrat - người phụ trách chương trình tiếng Anh của trường, Visut School rất nổi tiếng tại Thái Lan, nằm trong top 100 các trường trung học của toàn đất nước này. Tại tỉnh Kanchanaburi, đây là ngôi trường công lớn nhất tỉnh. 

Là môn võ dân tộc nổi tiếng của Thái Lan, Muay Thái được đưa vào học đường như là một môn thể thao tại trường Visut từ lâu, nhưng khoảng 7 năm gần đây, trường Visut đã thành lập một “học viện” với tên gọi là “Vesut Academy - VS Academy” để đào tạo các võ sinh là học sinh trong trường đam mê với môn võ này, khi tốt nghiệp lớp 12 có thể theo con đường thi đấu chuyên nghiệp. Phụ trách cho học viện này có 5 giáo viên trong tổ bộ môn Giáo dục thể chất của trường trực tiếp huấn luyện, đứng đầu là thầy giáo Somboon Surinjan. Hầu hết các thầy cô giáo trong Ban Huấn luyện này đều tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao với chuyên ngành võ cổ truyền Muay Thái. 

Theo thầy giáo Somboon Surinjan, học viện đào tạo Muay Thái của trường hiện có 40 học viên, chủ yếu là học sinh của trường nhưng trong đó cũng có 1 số học sinh từ các trường học khác trong tỉnh Kanchanaburi gửi đến. Toàn bộ số học viên - học sinh này đều phải qua kiểm tra năng khiếu võ thuật mới được nhận vào học viện, được nhà trường Vesut cung cấp học bổng, chỗ ở tại trường, hằng ngày bên cạnh việc học văn hóa là luyện tập Muay. 

“Về nguyên tắc, chỉ đến lớp 11 mới chính thức được nhận vào đào tạo theo chương trình của học viện, tuy nhiên cũng có những học sinh từ lớp 7 có năng khiếu cũng được trường nhận để bắt đầu tập luyện sớm hơn, như là một cách chuẩn bị tốt hơn cho các em”, thầy giáo Somboon Surinjan cho biết. 

Muay Thái là môn võ cổ truyền của người Thái, một hình thức chiến đấu cổ xưa hình thành qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Ngày xưa, các binh sĩ Thái trước khi ra trận đều phải tập luyện môn võ này. Muay sau đó trở thành một môn tập luyện đại chúng ở quốc gia này như là một môn thể thao, vừa để cơ thể nhanh nhẹn, khỏe mạnh vừa có thể tự vệ khi cần thiết. Đầu thế kỷ 20, Muay được nâng lên và công nhận như một hình thức nghệ thuật, được công diễn tại các lễ hội hay đền đài. Năm 1930, Muay Thái đã có bước phát triển lớn khi người Thái dựa trên luật thi đấu của môn Quyền Anh (Boxing) để xây dựng luật thi đấu chặc chẽ cho môn này. Năm 2007, khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan, người Thái đã đưa môn võ này vào thành một môn thi đấu chính thức của Đại hội. Cho đến nay, Muay Thái đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới, được tập luyện khá rộng rãi trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại Đà Lạt đã từng có võ đường huấn luyện bộ môn này, theo các huấn luyện viên cho biết, đòn thế của Muay cũng có những nét tương đồng với Võ cổ truyền Việt Nam. 

Tại Trường Visut, trong chuyến viếng thăm, chúng tôi được Ban Giám hiệu nhà trường đưa đi xem khu tập luyện Muay của các học sinh - học viên học viện “VS Academy”, xem một trận đấu biểu diễn của các em trên võ đài được lắp ngay trong khu nhà dành cho hoạt động thể dục thể thao của trường. 

Theo thầy giáo - huấn luyện viên Somboon Surinjan, Học viện VS Academy này chỉ trong khoảng 7 năm đào tạo, đã có 4 - 5 học sinh thành công trên đấu trường Muay Thái trong nước và trở thành vận động viên Muay Thái chuyên nghiệp; có 5 học sinh khác trong học viện giành được học bổng để học tiếp bậc đại học nhờ thành tích thi đấu Muay Thái của mình. 

“Các võ sỹ Muay thi đấu chuyên nghiệp nếu thành công rất nổi danh trong nước và có thể kiếm tiền rất tốt từ nghề nghiệp của mình. Chính vì vậy nhiều phụ huynh trong các vùng nông thôn xa xôi có mong muốn gửi con mình đến huấn luyện tại các trường học có cơ sở tập luyện tốt như trường chúng tôi và coi đây như là một cơ hội hy vọng để các em có thể đổi đời sau này”, thầy giáo Mattapol Kamerdrat cho biết.