Di chứng của cơn sốt viêm màng não lúc 5 tuổi đã khiến anh trở thành một người khuyết tật cả đời với đôi tay bị tật và giọng nói không rõ, không đi học được. Nhưng bất chấp mọi nghịch cảnh, anh vẫn vươn lên trở thành người hữu ích trong xã hội, có một gia đình yên ấm và là vận động viên (VĐV) khuyết tật nổi tiếng của thể thao Lâm Đồng.
VĐV Bùi Văn Hùng (bên trái) cùng VĐV Mai Xuân Long tại Đà Lạt |
• MỘT GIA ĐÌNH YÊN ẤM
Đó là anh Bùi Văn Hùng, sinh năm 1979, quê Hải Dương, hiện sinh sống tại Gia Lâm, Lâm Hà, một VĐV khuyết tật nổi tiếng của đội điền kinh Người khuyết tật Lâm Đồng tại các giải đấu thể thao Người khuyết tật quốc gia những năm gần đây.
Là con trai lớn trong gia đình có 3 người con trai, anh Hùng cùng gia đình từ Thanh Hà, Hải Dương vào lập nghiệp trên quê mới Lâm Hà năm 1994. Mẹ anh, bà Lê Thị Kiều, sinh 1959, cho biết hồi 5 tuổi, anh bị sốt viêm màng não, gia đình nỗ lực chạy chữa nhưng rồi di chứng của căn bệnh này đã biến một cậu bé khỏe mạnh bình thường trở thành một người khuyết tật. Do biến chứng, giọng nói anh không phát âm rõ, không đi học được, cả 2 tay anh cũng bị co rút, bên tay phải bị nặng hơn với bàn tay không nắm được đồ vật, bên tay trái còn lại có nhẹ hơn.
Nhưng như mẹ anh nói, “Trời không lấy đi tất cả. Từ khi đó đến giờ, con trai tôi luôn có sức khỏe rất tốt, chẳng đau yếu gì nhiều”. Nhờ sức khỏe này, ngày mới vào đất mới Lâm Hà lập nghiệp, anh cùng mẹ mình và 2 em trai ngày ngày làm vườn, trồng dâu, nuôi tằm cùng mẹ. Sau một thời gian làm nông, bà Kiều cùng các con đã quyết định bán hết đất để ra mặt đường mua nhà và thành lập một cơ sở sản xuất nước đá. Tại đây, bà cùng con đã từng bước phát triển cơ sở sản xuất nhỏ này. Hiện nay, 2 người em của anh Hùng đều đã có gia đình và ra riêng, tuy nhiên một em trai vẫn ngày ngày đến làm chung với mẹ. Riêng anh Hùng là người khuyết tật nên bà Kiều cùng ở với anh. Nhờ ăn nên làm ra nên những năm gần đây anh Hùng cho biết còn thuê thêm 3 người trong vùng làm công, cơ sở có xe tải nhỏ riêng ngày ngày đi giao mối nước đá.
Điều ngạc nhiên đầy thú vị mà bà Kiều cho biết về anh chính là việc anh có gia đình. Bà cứ nghĩ người khuyết tật như anh chắc chẳng có cô gái nào để ý, nhưng rồi anh đã có bạn gái và cưới vợ. Vợ anh là một cô gái bình thường - chị Phan Thị Nội, sinh năm 1983, người cùng quê Thanh Hà, Hải Dương với anh, gia đình cũng vào đây lập nghiệp trên quê mới Lâm Hà. Chị gặp anh, mến anh vì sự siêng năng, cần mẫn, luôn tươi cười, lạc quan, yêu đời dù là người khuyết tật. Họ cưới nhau năm 2004, ngày đám cưới cả xóm gần xa đến chung vui cùng gia đình, mừng cho đôi vợ chồng.
“Rất nhiều người chung quanh yêu mến cháu Hùng, dù tàn tật nhưng tính tình siêng năng, làm việc không nghỉ tay, sẵn lòng giúp mọi người. Ngày đám cưới cháu, mọi người đến chung vui, nhiều người khóc mừng cho cháu, còn tôi thì vui chẳng nói nên lời”.
Cho đến nay, vợ chồng anh Hùng vẫn đang sống cùng mẹ anh. Anh chị có 2 con, cô con gái lớn hiện đang học đại học năm nhất ngành ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh, con trai nhỏ đang học lớp 8. “Con trai tôi bị tàn tật, không đi học được, không biết chữ, chỉ làm việc bằng tay trái là chính, cố gắng lắm chỉ nắm bút bằng tay trái để viết được đúng chữ Hùng thôi. Nhưng cả 2 đứa con sinh ra đều khỏe mạnh, hầu như chẳng đau yếu lặt vặt gì. Cả 2 đứa sinh ra đi học như học bù cho bố. Nhất là đứa cháu gái, năm học nào cũng là học sinh giỏi, luôn được phần thưởng mang về nhà, vừa rồi trúng tuyển đại học ngành cháu thích", bà Kiều chia sẻ.
• MỘT VĐV XUẤT SẮC
Mọi việc bắt đầu khi anh Bùi Văn Hùng đi tham dự sinh hoạt cùng Hội Người khuyết tật huyện Lâm Hà trong một dịp cuối năm.
Hội Người khuyết tật huyện Lâm Hà hiện có khoảng 200 thành viên sinh hoạt, hằng năm định kỳ vẫn tổ chức các buổi sinh hoạt chung, phát quà, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Trong buổi sinh hoạt đó có sự tham dự của một VĐV khuyết tật nổi tiếng của Lâm Đồng những năm trước đây, đó là anh Mai Xuân Long, hiện đang sinh sống tại Lâm Hà. Khi gặp Bùi Văn Hùng, phát hiện ra tố chất thể thao tiềm ẩn của anh, anh Long đã thuyết phục Hùng thử chạy. Anh Hùng đồng ý.
Cho đến thời điểm đó, khoảng năm 2011, anh Hùng chưa bao giờ chạy thể thao và cũng chưa bao giờ thi đấu thể thao. Theo sự hướng dẫn của anh Long, Bùi Văn Hùng bắt đầu thử chạy. Anh tập chạy buổi sáng, từ chạy quãng ngắn rồi nâng lên đoạn đường dài hơn, cần mẫn, siêng năng chạy như bản tính anh trong làm việc lâu nay. “Sáng nào cũng như sáng nào, ngày nắng như ngày mưa, ngày thường như ngày Tết, ngày nào Hùng cũng chạy vài cây số, anh Long cho biết.
Được Mai Xuân Long giới thiệu, anh Hồ Văn Chương, HLV Đội tuyển Thể thao Người khuyết tật thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng đã tiếp nhận anh Hùng vào đội tuyển tỉnh. Ngay năm đầu tiên trong đội hình Người khuyết tật Lâm Đồng tham gia thi đấu Giải Thể thao Người khuyết tật quốc gia, anh Hùng đã mang về huy chương (HC) cho đội tuyển Lâm Đồng.
Đội tuyển thể thao Người khuyết tật Lâm Đồng hiện nay có 5 - 6 thành viên, hằng năm thường xuyên tham gia các giải Thể thao Người khuyết tật trong nước với các nội dung thi đấu như chạy, xe lăn, xe lắc trong các cự ly tùy theo mức độ thương tật của các VĐV. Như HLV Hồ Văn Chương cho biết, thi đấu nổi bật nhất trong đội tuyển Thể thao Người khuyết tật tỉnh lâu nay chính là VĐV Bùi Văn Hùng với các cự ly chạy từ 100 m đến 400 m.
“Thông thường chúng tôi hướng dẫn cho các VĐV tự tập luyện ở nhà trong năm, chỉ thỉnh thoảng ghé nhà kiểm tra coi thử việc tập luyện ra sao. Khi có giải, toàn đội sẽ tập trung tập luyện khoảng chừng 10 ngày trước khi xuất quân, ông Chương nói.
“Hầu hết các VĐV tham gia đội tuyển đều rất cố gắng, nhưng phải nói VĐV Bùi Văn Hùng có ý thức tập luyện rất tích cực, hầu hết các yêu cầu của HLV đưa ra đều đáp ứng, mỗi ngày đều tự chạy trong vòng 5 - 6 km bất kể mưa gió. Nhờ duy trì tập luyện đều đặn nên Hùng thi đấu đạt thành tích rất tốt”, HLV Hồ Văn Chương cho biết thêm.
Không tính các huy chương (HC) anh Hùng giành được từ các giải thể thao Người khuyết tật cấp tỉnh những năm gần đây, chỉ tính riêng số huy chương từ các giải quốc gia trong hơn 10 năm thi đấu trong màu áo Đội tuyển Người khuyết tật Lâm Đồng, anh Hùng đã có đến 32 huy chương, hầu hết trong số đó là huy chương vàng. Mặc dù không nói được nhiều, âm phát ra không rõ, phải nhờ sự “phiên dịch” của anh Mai Xuân Long chúng tôi mới biết được anh muốn nói gì, nhưng khi hỏi số HC giành được, anh chìa tay ra hiệu con số 3 và số 2 với nụ cười rất tươi. Như Giải Thể thao Người khuyết tật quốc gia trong tháng 4/2023 năm nay, anh giành đến 3 tấm HC Vàng trong các cự ly chạy 100 m, 200 m và 400 m.
“Tôi rất vui vì con trai tôi đã làm được những việc trong hoàn cảnh khuyết tật đầy khó khăn như vậy. Gia đình lâu nay cũng thấy chính quyền địa phương các cấp rất chú ý giúp đỡ người khuyết tật, cấp sổ hộ nghèo, có trợ cấp an sinh xã hội. Nhưng không ỷ lại, không trông chờ cha mẹ, con trai tôi vẫn tự thân nỗ lực vươn lên, chịu khó làm ăn, chăm sóc gia đình, chịu khó tập luyện thể dục thể thao để mang về thành tích cho tỉnh, không chấp nhận đầu hàng hoàn cảnh hay số phận, đó là điều tôi nghĩ đáng quý nhất”, bà Kiều mẹ anh Hùng tâm sự.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin